+Aa-
    Zalo

    Số cử nhân đại học tăng: Thị trường lao động đứng trước nhiều thách thức

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngày 30/10, Viện Khoa học LĐ và XH công bố bản tin thị trường lao động quý II/2015. Bản tin ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp có trình độ chuyên môn tiếp tục tăng.

    (ĐSPL) - Ngày 30/10, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin thị trường lao động quý II/2015. Bản tin ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm nhẹ, số lao động thất nghiệp trong khu vực có trình độ chuyên môn tiếp tục tăng.

    Tin tức từ VTV, trong số lao động thất nghiệp, số người không có bằng cấp chứng chỉ chiếm trên 53\% với khoảng 600 nghìn người; gần 200 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 17,4\% lực lượng lao động.

    Cũng trong quý II, ngoại trừ nhóm có trình độ cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ, tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm có trình độ trung cấp và trình độ trên đại học đều tăng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp và tương đương trở lên chiếm khoảng 20\% lực lượng lao động.

    Còn theo VnExpress, số người thất nghiệp ở nông thôn giảm trong khi thất nghiệp ở thành thị tăng, thất nghiệp ở nữ giới giảm và nam giới tăng. Lực lượng thanh niên thất nghiệp tiếp tục tăng (gần 6,7\%) cao gần 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước.

    Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội tỷ lệ trên chưa phải là chỉ số phản ánh hết được tình trạng lao động của đất nước. Số người có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong hai nhóm ngành chính chiếm tỷ lệ rất lớn: giáo dục - đào tạo (23,4\%); trong các tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (19,3\%). Trong khi đó, các tổ chức này gần như cố định, ít tuyển mới, còn tinh giản biên chế. Điều này một phần lý giải vì sao thất nghiệp ở nhóm trình độ đại học trở lên tăng cao.


    Hàng năm, 3/4 số học sinh tốt nghiệp phổ thông đều tập trung vào giáo dục đại học. Bà Lan Hương cho rằng điều này không phù hợp với đất nước đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình như Việt Nam. Tuyển sinh với số lượng lớn, tập trung ở phân khúc cao chỉ phù hợp với mô hình đào tạo của các nước có nên kinh tế tri thức. Việt Nam phải tập trung vào phân khúc bậc trung (cao đẳng, trung cấp nghề).

    Theo Viện trưởng, giải pháp trước hết là nâng cao nhận thức về chọn ngành nghề cho các em từ khi còn đi học. Học sinh học xong phổ thông không nhất thiết phải bước vào đại học mà có thể đi học nghề. Theo thống kê, hiện nay tiền lương của nhóm lao động ở nhóm giáo dục nghề nghiệp cũng đã tăng lên đáng kể.

    Hiện số lao động đạt trình độ đại học trở lên chiếm hơn 40\% tổng số lao động có trình độ chuyên môn nhưng thị trường chỉ cần khoảng 20\% đối với nhóm này. Như vậy, cần phân luồng từ ngay trong khi tuyển sinh: khoảng 40\% vào giáo dục đại học, còn 60\% vào giáo dục nghề nghiệp. Với mức điểm sàn của giáo dục cao đẳng, đại học hiện nay là 12, không có chỗ cho giáo dục nghề nghiệp. Nếu mức điểm sàn khoảng 17 điểm thì những người đủ năng lực có thể vào đại học, ra trường xứng đáng với tấm bằng đào tạo và dễ tìm được việc làm.

    "Người học đại học ra nghĩ rằng mình phải làm công việc tương xứng nhưng thị trường không cần. Chưa kể nhiều người có bằng đại học, nhưng chưa chắc đã có trình độ đại học", bà Hương nói và cho biết, theo thống kê ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có nhiều người học cao, ra trường nhưng chấp nhận làm những công việc lương thấp.

    Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Lao động phân tích thị trường lao động đang đứng trước thách thức lớn khi cuối năm Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, một số nhóm ngành được tự do di chuyển như kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch.

    "Có một điều lo ngại là với sự di chuyển lao động cộng với chất lượng chưa được cải thiện đáng kể, lao động Việt Nam sẽ khó có cơ hội gia nhập thị trường lao động khu vực cũng như quốc tế. Nếu không thay đổi thì nguy cơ cao là mất việc làm ngay trong thị trường của mình", Thứ trưởng nói.

    Bên cạnh đó, bản tin thị trường lao động quý II/2015 còn ghi nhận một số điểm sáng như: sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, tình hình thiếu việc làm được cải thiện, số người được giới thiệu việc làm thành công, hỗ trợ đi học nghề đều tăng.

    Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/10, lực lượng lao động cả nước ước tính là 54,32 triệu người, tăng 11.700 người so với cùng thời điểm năm 2014, trong đó lao động nam chiếm 51,77\%, lao động nữ chiếm 48,23\%.

    Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế 9 tháng năm nay ước tính 52,72 triệu người, giảm 177.300 người so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 44,3\%, lao động công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5\%, lao động dịch vụ chiếm 33,2\%.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]Ph6sKJ2o1R[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-cu-nhan-dai-hoc-tang-thi-truong-lao-dong-dung-truoc-nhieu-thach-thuc-a117207.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.