+Aa-
    Zalo

    Số ca mắc gia tăng, nguy cơ bùng dịch đau mắt đỏ ở TP.HCM

    (ĐS&PL) - Số ca mắc đau mắt đỏ tại TP.HCM đang gia tăng trong những ngày gần đây, trong bối cảnh học sinh đi học trở lại gây nhiều lo ngại.

    Đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng

    Theo thông tin từ báo VTC News, thống kê từ đầu năm 2023 đến ngày 31/8, tổng số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca.

    Trong đó, có 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59% (cùng kỳ năm 2022 là 873 ca biến chứng, chiếm 1,63% tổng số ca bệnh).

    Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực,…

    Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,54% tổng số ca bệnh). Trong đó, có 288 ca biến chứng, chiếm 1,87% (cùng kỳ năm 2022 có 241 ca biến chứng, chiếm 2,3% tổng số ca bệnh).

    nguy co bung dich dau mat do tai tp hcm
    Nguy cơ bùng dịch đau mắt đỏ tại TP.HCM.

    Tại Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông (TP.HCM), BS.CKI Trần Thị Thúy Ngân - Trưởng Khoa Mắt cho biết, năm 2022, bệnh viện ghi nhận 200 ca. Riêng năm nay tăng nhiều, 2 tuần gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị 70 ca.

    Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số ca đau mắt đỏ tăng vọt theo BS Ngân là do TP.HCM bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, môi trường nhiều khói bụi. Ngoài ra, trẻ vừa bắt đầu đi học trở lại cũng là yếu tố khiến bệnh đau mắt đỏ lan rộng ra cộng đồng.

    Theo BS Ngân, đau mắt đỏ mặc dù khá lành tính, khi khỏi ít để lại di chứng nhưng bệnh rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi...gây ảnh hưởng tới khả năng lao động, học tập và sinh hoạt.

    "Đường lây lan bệnh có thể do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi hoặc lây qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh. Với một số loại virus đường hô hấp (như Adenovirus…) đường lây có thể qua giọt bắn" , BS Ngân cho hay.

    Bên cạnh đó, thời gian ủ bệnh viêm kết mạc có thể từ 1 đến 2 tuần và thời gian người bệnh lây cho người lành là từ 2 tuần trở lên kể từ khi biểu hiện bệnh. Đặc biệt một số trường hợp mắc virus, chưa có biểu hiện viêm kết mạc nhưng đã có thể lây cho người khác, vì vậy dễ tạo nên dịch trong cộng đồng.

    Nên nghỉ ở nhà nếu đau mắt đỏ

    Theo báo Tuổi trẻ, tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, enterovirus và adenovirus là hai tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay. Trong đó, chiếm ưu thế là enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).

    Đau mắt đỏ là bệnh dễ bị lây nhiễm qua đường hô hấp, giọt bắn. Năm nay dịch viêm kết mạc lây lan nhanh mạnh, dễ gây biến chứng viêm giác mạc hơn so với các năm, nhiều trường hợp trẻ em hay có giả mạc hơn so với các năm trước.

    Triệu chứng phổ biến của bệnh đau mắt đỏ là đỏ mắt, chảy nước mắt và cộm mắt, có gỉ mắt. Nếu đợi đến sưng nề, trẻ có dấu hiệu sợ ánh sáng… mới đi khám thì lúc này giác mạc đã tổn thương nặng, rất dễ biến chứng. Phụ huynh cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, có chế độ sinh hoạt phù hợp để tăng cường sức đề kháng.

    Theo Sở Y tế TP.HCM, trường hợp bị đau mắt đỏ, người bệnh nên nghỉ ở nhà (nghỉ làm/nghỉ học từ 5 - 7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác.

    Khi phát hiện dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp (lưu ý chỉ định nghỉ làm/nghỉ học là do bác sĩ quyết định).

    Theo khuyến cáo của các chuyên gia mắt và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là Adenovirus) gồm:

    - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

    - Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

    - Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

    - Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-ca-mac-gia-tang-nguy-co-bung-dich-dau-mat-do-o-tphcm-a590381.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan