Ngày 12/12, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ban hành Quy chế đào tạo bậc đại học tại ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Tổ trưởng Tổ biên soạn Quy chế của ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết điểm mới của quy chế là cho phép sinh viên có thể được chuyển ngành học.
Cụ thể, sinh viên hoàn thành năm học thứ nhất được xem xét chuyển sang học một ngành học khác nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học; có số tín chỉ tích lũy tối thiểu bằng khối lượng thiết kế theo kế hoạch học tập chuẩn của chương trình đào tạo; điểm trung bình trung các học phần tính đến thời điểm xét đạt từ 2.5 trở lên.
Bên cạnh đó, sinh viên có thể được chuyển ngành học nếu không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét thi hành kỷ luật; đơn vị đào tạo còn chỉ tiêu đối với ngành sinh viên muốn chuyển đến; được sự đồng ý của chủ nhiệm Khoa/Bộ môn (đơn vị chuyên môn phụ trách ngành đào tạo) và thủ trưởng đơn vị đào tạo (đối với các trường thành viên), Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội (đối với các đơn vị đào tạo trực thuộc).
Tuy nhiên, vị lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội cũng lưu ý quy chế mới ban hành không xem xét chuyển ngành học đối với sinh viên đã học từ năm thứ hai. Kết quả học tập của các học phần đã tích lũy của sinh viên chuyển ngành hoặc chuyển hình thức đào tạo sẽ được xem xét để bảo lưu và công nhận tương đương theo các học phần trong ngành mới.
Quy chế áp dụng đối với các đơn vị và cá nhân tham gia vào quá trình đào tạo bậc đại học theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học tại ĐH Quốc gia Hà Nội, bao gồm chương trình đào tạo và thời gian học tập; tổ chức và quản lý đào tạo; nghiên cứu khoa học của sinh viên; quyền lợi và nghĩa vụ của giảng viên, cố vấn học tập, sinh viên; kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập; công nhận tốt nghiệp.
Theo VnExpress, quy chế đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội được xây dựng căn cứ theo Thông tư 08 năm 2021 của Bộ GD&ĐT.
Các chuyên gia cho hay, đây là những hoạt động bình thường của các đại học trên thế giới. Ở Việt Nam, sau Thông tư 08, việc này mới bắt đầu được một số trường áp dụng.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2022, nhóm 10 trường Kinh tế đã ký thỏa thuận trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ của nhau. Sinh viên các trường này được đăng ký học tập 1-2 học kỳ ở các trường trong nhóm, mỗi kỳ từ 12 đến 25 tín chỉ và được chuyển đổi kết quả học tập.
Thủy Tiên (T/h)