Xúc động vì giúp được người khó khăn hơn mình
Những ngày này, Hoàng Thạch Thảo (quê Phú Thọ, SN 2000) sinh viên năm 4, trường đại học Nội vụ Hà Nội và một số người vẫn đang mắc kẹt tại một xóm trọ nhỏ trên phường Xuân La, Tây Hồ do thực hiện giãn cách. Thảo chia sẻ: “Đợt nghỉ hè này em ở lại Hà Nội với mong muốn đi làm thêm kiếm thêm chút thu nhập, nhưng không ngờ Hà Nội thực hiện giãn cách do dịch bệnh”.
Phòng của Thảo ở có 3 người thì 2 người nhà ở gần nên đợt đầu Hà Nội giãn cách các bạn đã kịp về, còn lại một mình Thảo ở lại phòng trọ đến nay cũng đã hơn 1 tháng.
“Những tuần đầu của đợt đầu giãn cách thì không quá khó khăn, nhưng càng về sau thì những sinh viên như chúng em lại càng khó khăn hơn, nhu yếu phẩm đã hết. Khi nhận được thông báo từ đoàn trường là bạn nào bị kẹt lại Hà Nội, khó khăn nên đăng ký và khi nhận được hỗ trợ thực phẩm từ đoàn trường em cảm thấy rất vui.
Các bạn trong lớp em cũng cảm thấy ấm lòng, không bị bỏ rơi trong đợt giãn cách này”, Thảo chia sẻ. Ngoài món quà từ đoàn trường đại học Nội vụ Hà Nội, thông qua đoàn trường Thảo cũng được nhận thêm một suất quà từ Thành đoàn Hà Nội. Tuy nhiên, suất quà này Thảo đã nhường lại cho một hoàn cảnh khó khăn hơn mình. “Tình cờ nhìn thấy một bác lớn tuổi hàng ngày đi nhặt nhạnh chai nhựa, em có hỏi han và thấy rất thương cảm. Vì đã nhận được một suất quà trước đó rồi nên em dành tặng bác suất còn lại. Em rất xúc động và cũng nhờ sự hỗ trợ từ Thành đoàn, đoàn trường em mới giúp được cho một hoàn cảnh khó khăn khác”, Thảo chia sẻ trong sự xúc động.
Tương tự, Vi Thị Thảo trọ tại phường Xuân Đỉnh, (SN 2000) sinh viên năm 4, trường đại học Nội vụ Hà Nội quê ở Thanh Hoá cũng đã kẹt lại Hà Nội 2 tháng nay. Thời gian trước dịch Thảo ở lại Hà Nội làm thêm. Nhưng, do giãn cách nên Thảo cũng như bạn cùng phòng không thể về quê.
Cũng như bao người ở trọ, không có việc làm và gia đình không thể gửi đồ lên tiếp tế, nên Thảo và một người bạn trong phòng chỉ biết bảo nhau phải ăn uống chi tiêu thật tiết kiệm. “Mọi sinh hoạt bị đảo lộn, chúng em cũng phải cân đối chi tiêu, 3 ngày được đi chợ một lần chúng em cũng chỉ mua đủ đồ ăn. Có lúc thì ăn tạm mỳ tôm trừ bữa”, sinh viên Vi Thảo chia sẻ.
Nữ sinh Vi Thảo cũng bày tỏ sự xúc động khi nhận được những món quà nghĩa tình từ các mạnh thường quân và nhà trường. “Chúng em cảm thấy rất vui và biết ơn, vì trong lúc khó khăn như thế này có người giúp đỡ mình thì rất là ấm lòng, cảm ơn vì các thầy cô đã luôn quan tâm, động viên kịp thời”.
Còn sinh viên cần hỗ trợ thì vẫn sẽ tiếp tục làm
Trao đổi với PV ĐS&PL, thầy Trương Quốc Việt, Bí thư Đoàn trường đại học Nội vụ Hà Nội cho biết: “Các em sinh viên ngoại tỉnh bị kẹt lại Hà Nội cũng có nhiều lý do như: Dịp 30/4 chưa về nên sau đợt nghỉ lễ bị kẹt lại; một số bạn năm 3, 4 do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên đã phải ở lại đi làm thêm, tự trang trải chi phí học tập và sinh hoạt nhưng thời gian giãn cách, không có việc làm; bố mẹ không gửi được đồ lên do giao thông bị ngưng trệ... vì thế các em đều rất khó khăn và cần trợ giúp”.
Thấu hiểu được những khó khăn mà các sinh viên của mình đang gặp phải, với tinh thần “tương thân tương ái”, “hỗ
trợ nhau cùng vượt qua đại dịch”, trường đại học Nội vụ Hà Nội, BCH Đoàn trường cùng phòng Công tác sinh viên tổ
chức tiếp nhận quà tặng cho sinh viên ngoại tỉnh gặp khó khăn cần hỗ trợ.
Thầy Việt cho biết, về phía trường, ngay khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhà trường đã hỗ trợ đợt 1 cho 249 sinh viên/tổng số 500 sinh viên bị kẹt lại Hà Nội, mỗi sinh viên là 500.000đ tiền mặt. Ngoài ra, Đoàn trường và các khoa, phòng đã luôn động viên kịp thời cho sinh viên, chủ động tìm các nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ cho khoảng 200 lượt sinh viên, mỗi sinh viên từ 200 - 300 nghìn đồng.
Cùng với đó, tính đến thời điểm này từ nguồn lực của đoàn trường và hỗ trợ của Thành đoàn Hà Nội, hội Chữ thập đỏ thành phố, của quận, phường, các nhà hảo tâm, đã có hơn 400 lượt sinh viên gặp khó khăn được hỗ trợ.
“Vừa qua, Thành đoàn Hà Nội thống kê có 38.000 sinh viên ở ký túc xá và các khu nhà trọ trên địa bàn Hà Nội cần hỗ trợ. Thành đoàn có chương trình “Tiếp sức sinh viên vượt qua Covid”, cũng nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi đã trao các suất quà hỗ trợ cho các trường đại học thuộc Thành đoàn và các trường khác không thuộc Thành đoàn.
Trường đại học Nội vụ Hà Nội cũng vậy, chúng tôi lấy danh sách của nhà trường sau đó phối hợp với hội Chữ thập đỏ thành phố trao những suất quà đến các em sinh viên. Chương trình của chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi nào các bạn sinh còn cần hỗ trợ”, anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch hội sinh viên TP. Hà Nội.
“Việc quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của sinh viên, không chỉ là trách nhiệm của tổ chức Đoàn, mà còn là lương tâm, trách nhiệm sẻ chia, khó khăn với học trò cùa mình. Quà tặng không chỉ là giá trị vật chất mà quan trọng hơn đó là món quà tinh thần, từ tâm của các mạnh thường quân, các đơn vị tài trợ, tấm lòng của các thầy, cô nhà trường động viên sinh viên vững vàng vượt qua dịch bệnh”, thầy Trương Quốc Việt, Bí thư Đoàn trường đại học Nội vụ Hà Nội.
Hoàng Thị Bích
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (140)