+Aa-
    Zalo

    Đại diện Bộ GD&ĐT nêu lý do siết chặt dạy thêm

    (ĐS&PL) - Trước lo ngại việc hạn chế dạy thêm, học thêm trong trường học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng chưa thỏa đáng.

    Từ 14/2, Thông tư mới về dạy thêm của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, tác động đáng kể tới thực trạng dạy thêm hiện nay.

    Chia sẻ về việc siết quy định dạy thêm, báo VietNamnet dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có nhiều điểm mới, trong đó quy định rõ giáo viên chỉ được dạy thêm 3 nhóm học sinh:

    Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt;

    Học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

    Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

    Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài trường.

    Với các trường, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, theo chương trình GDPT 2018, Bộ đã quy định cụ thể số tiết mỗi môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học, vừa sức với học sinh. Bộ cũng giao các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục, từ đó thầy cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy, nhằm đạt mục tiêu phát triển năng lực học sinh.

    Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

    Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

    Như vậy, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng là đã đảm bảo học sinh đạt yêu cầu. Nếu vẫn có em chưa đạt, trường phải có trách nhiệm phụ đạo kiến thức nên không được thu tiền. Tương tự, việc dạy thêm cho nhóm thi học sinh giỏi hay ôn thi cuối cấp nằm trong kế hoạch của trường. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức.

    "Bộ hạn chế học thêm trong nhà trường để hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm", VnExpress dẫn lời ông Thành nói. "Chúng ta cần khắc phục tình trạng học sinh hàng ngày tới trường ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức".

    Thay vào đó, sau giờ học, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc... Theo ông, những người làm nghề, tâm huyết với thế hệ trẻ sẽ thấy điều này cần thiết.

    Trước lo ngại việc hạn chế dạy thêm, học thêm trong trường học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ông Thành cho rằng chưa thỏa đáng. Thực tế, các kỳ thi vẫn rất nhiều thủ khoa, á khoa đến từ các vùng nông thôn, có điều kiện kinh tế khó khăn, không đi học thêm.

    Về phía giáo viên, nhiều người lo ngại giảm thu nhập khi thông tư của Bộ có hiệu lực. Ông Thành nhấn mạnh không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, họ phải đăng ký kinh doanh hoặc tham gia giảng dạy ở các trung tâm đã đăng ký.

    Lý do Bộ cấm giáo viên thu tiền đối với học sinh chính khóa nhằm tránh việc họ cắt giảm kiến thức trên lớp, kéo học sinh ra ngoài để dạy thêm.

    "Nếu nhà giáo nỗ lực, là giáo viên giỏi, thật sự tâm huyết, đem lại giá trị cho học sinh thì chắc chắn sẽ không thiếu học sinh tìm đến học", đại diện Bộ GD&ĐT cho hay.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ai-dien-bo-gd-t-neu-ly-do-siet-chat-day-them-a498188.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan