Ngay sau khi công bố, quyết định về ban hành nội quy học đường với các quy định về tác phong của sinh viên như phải mặc đồng phục, đi giày dép có quai hậu, không được cạo trọc đầu..., của trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã được nhiều ý kiến tranh luận. Liệu, sự tự do, tự chủ của người học đã trưởng thành có nên bị kìm kẹp bằng nội quy hay không?
Tranh cãi vì nội quy khắt khe
Mới đây, trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã ban hành nội quy mới, trong đó có 2 điều nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Ở Điều 1, nhà trường có yêu cầu: “Khi đến trường học tập hay liên hệ làm việc với các Phòng, Ban, Khoa, Trung tâm, đơn vị thuộc trường phải mặc đồng phục và đeo thẻ sinh viên”.
Ở điều 2 quy định sinh viên phải “Quần áo chỉnh tề, đầu tóc nam, nữ phải gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Đặc biệt là sinh viên không cạo trọc đầu (trừ trường hợp đang điều trị bệnh hoặc nhà tu hành đang theo học, sinh viên nam không để tóc dài...)”.
Một số sinh viên cho rằng điều này đang làm mất đi tự do cá nhân. Cuộc tranh luận bắt đầu gay gắt hơn khi trang mạng xã hội. Một sinh viên thắc mắc về việc nội quy mới của nhà trường đã thông qua khảo sát hay lắng nghe ý kiến từ người học hay chưa? Nếu là đơn phương thì vô cùng bất công đối với sinh viên vì không có quyền tự do trong môi trường học đường. Sinh viên này cũng nhấn mạnh rằng, bản thân hoàn toàn đồng ý với ý kiến về mặc đồng phục của trường. Tuy nhiên, nhà trường không nên bắt sinh viên phải mặc đồng phục nguyên tuần, đồng thời cũng phản đối việc có đội xung kích theo dõi việc mặc đồng phục mà gợi ý nhà trường chỉ nên yêu cầu sinh viên mặc đồng phục 1 – 2 ngày/tuần kết hợp với đeo thẻ sinh viên.
Về phía lãnh đạo nhà trường, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu Trưởng trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM khẳng định những nội dung quy định trong nội quy này đã được xây dựng cách đây 8 năm, thông báo mới đây chỉ là nhắc lại chứ không ban hành mới. Trước đó trong quá trình xây dựng nội quy này, nhà trường cũng đã khảo sát sinh viên, cán bộ, giảng viên trong trường. Sinh viên của trường chỉ bị bắt buộc mặc áo đồng phục của trường, còn mặc quần hay váy thì tùy từng người. Việc mặc đồng phục nhằm để nhận diện thương hiệu của nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất khi đưa ra nội quy về đồng phục là nhằm xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo trong cộng đồng sinh viên. Bởi không phải ai cũng có hoàn cảnh như nhau.
Còn về quy định cấm cạo trọc đầu, nhuộm tóc xanh đỏ hay nam để tóc dài, lãnh đạo nhà trường cùng thống nhất ý kiến cho rằng ngoại hình như vậy có phần không phù hợp với một sinh viên ngồi học trên giảng đường. Ông Hoàn khẳng định, khi đưa ra quy định, các nhân viên, giảng viên trong trường đã có truyền đạt với sinh viên lý do vì sao lại đưa ra những quy định như vậy. Riêng với yêu cầu đồng phục, nhà trường sẽ tạo điều kiện sinh viên mua đồng phục với giá hợp lý.
Tại TP.HCM cũng đang có nhiều trường quy định về việc mặc đồng phục, cụ thể như trường đại học Tôn Đức Thắng, trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, trường đại học Ngoại Thương TP.HCM... Quy định này góp phần hình thành nhân cách, tác phong môi trường công sở sau này.
Cần cởi mở, tôn trọng với người học
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, mỗi cá nhân có quyền tự do và được mọi người tôn trọng. Nhưng khi đến trường, mọi người phải tuân thủ quy định của nhà trường. “Ở nước ngoài cũng vậy, họ coi trọng quyền tự do của mỗi cá nhân nhưng họ cũng có những quy định buộc sinh viên phải tuân thủ khi đến trường. Với nước ta, các thầy cô giáo yêu cầu học sinh khi vào lớp học không được mặc quần rách, quần ngố phản cảm hoặc có trường quy định học sinh, sinh viên phải mặc đồng phục chỉnh tề và sơ vin... Tất cả những quy định đó đều nhằm tạo ra một môi trường giáo dục tốt hơn, lành mạnh hơn”, ông Tớp nhận xét.
Vị chuyên gia còn bày tỏ: “Ngày nay, việc mặc đồng phục trở thành trào lưu và mọi người thường mặc vào ngày lễ, Tết. Vậy nên quy định mặc đồng phục cả tuần tôi nghĩ các sinh viên nên thực hiện. Tuy nhiên nhà trường cũng cần phải thiết kế hình thức đẹp để sinh viên thích thú và cảm thấy hãnh diện với nó”.
Về quy định cao trọc đầu, theo ông Tớp, việc này cũng giống như nhuộm tóc xanh, đỏ, tím, vàng vì thay đổi sự tự nhiên ở con người và nhìn rất nhố nhăng. “Mấy năm gần đây, các bạn trẻ nổi lên rất nhiều trào lưu như mặc mặc đồng phục đến đầu gối, cắt tóc rồi vẽ những hình thù kỳ quá trên đầu, nhuộm tóc đủ màu sắc, quần áo rách tả tơi... đều là những hình ảnh rất phản cảm. Tôi cho rằng những trào lưu này có thể nổi lên ngoài đường phố nhưng trong nhà trường thì sinh viên cần có thái độ, hành vi, nếp sống lành mạnh”.
Phó Hiệu trưởng đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, đại học Công nghệ Thực phẩm TP.HCM khi ban hành nên đưa ra khảo sát toàn thể sinh viên để lấy ý kiến. Nếu đa số đồng tình thì thực hiện còn phần đông không đồng tình thì xem xét lại trước khi ra quy định. Các trường đều mong muốn có môi trường giáo dục tốt để sinh viên được thoải mái học tập. Nên mỗi người hãy tôn trọng quy định của nhà trường.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nhà sáng lập và điều hành Thinking School nêu quan điểm: “Lẽ ra trường nên hướng đến sự đa dạng chứ không phải hướng đến một màu đồng nhất. Nếu nói tránh sự phân biệt giàu nghèo thì cấm cả xe tay ga, điện thoại thông minh... Tất cả là vì trường không có triết lý giáo dục nên biến môi trường đại học thành nơi rèn luyện kỷ luật. Cần tôn trọng sinh viên vì họ là những người trưởng thành. Nhà trường chỉ nên là một môi trường mở, khuyến khích các giá trị cao đẹp (kỷ luật, tự do, sáng tạo, nhân văn) chứ không nên đóng vai trò bề trên áp đặt”.
Bộ GD-ĐT không bắt buộc sinh viên phải mặc đồng phục khi đến trường Từ năm học 2013 – 2014, bộ GD-ĐT đã có Thông tư số 6100/BGDĐT- CTHSSV để quy định về việc chỉ đạo và triển khai việc mặc đồng phục của học sinh, sinh viên. Theo quy định này, Bộ quy định các trường đại học, cao đẳng, học viện không bắt buộc học sinh, sinh viên phải mặc đồng phục khi đến trường. Nhà trường ban hành, quy định cụ thể về trang phục của học sinh, sinh viên khi đến trường, đảm bảo sự nghiêm túc của môi trường giáo dục nhưng không gò bó, gây khó khăn cho học sinh, sinh viên. |
Hà Nhân
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 50