Các nhà chức trách Singapore đã thu giữ 11,9 tấn vảy tê tê và 8,8 tấn ngà voi từ một container đang trên đường đến Việt Nam, hãng tin Aljazeera cho hay.
Singapore thu giữ số lượng lớn ngà voi và vảy tê tê. Ảnh minh hoạ: Getty |
Hôm nay (23/7), Cơ quan Hải quan Singapore cùng Cơ quan Di trú và Thanh tra đã xác nhận thông tin về vụ bắt giữ lô hàng 11,9 tấn vảy tê tê và 8,8 tấn ngà voi, gọi đó là vụ bắt giữ lớn thứ 3 của các lô hàng buôn lậu vảy tê tê trong năm 2019 và vụ bắt giữ ngà voi lớn nhất từ trước đến nay. "Số vảy tê tê bị tịch thu và ngà voi sẽ bị phá hủy để ngăn chúng tái xâm nhập thị trường", một tuyên bố cho biết.
Theo đó, lô hàng bị bắt từ ngày 21/7 khi đang trên đường từ Cộng hòa Dân chủ Congo, rời khỏi khu vực quản lý của hải quan Trung Quốc và dự định đến Việt Nam. Các chức trách ước tính số ngà của gần 300 con voi châu Phi trị giá 12,9 triệu USD, trong khi giá trị của lượng vảy tê tê lấy từ khoảng 2.000 con là 35,7 triệu USD.
Tê tê được cho là động vật có vú bị buôn bán rộng rãi nhất trên thế giới. Vảy của nó được làm bằng keratin và được sử dụng trong các loại thuốc truyền thống. Thịt tê tê cũng được coi là một món ngon ở Việt Nam và Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, đã có một loạt các container bị Singapore bắt giữ, bao gồm cả sừng tê giác.
"Singapore luôn vô tình liên quan đến thương mại ngà voi toàn cầu vì hai lý do: kết nối toàn cầu, cũng như sự hiện diện của một thị trường nội địa nhỏ nơi ngà voi trước những năm 1990 có thể được bán hợp pháp", ông Kim Stengert, giám đốc truyền thông của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) ở Singapore. "Tính nhất quán của các vụ bắt giữ quy mô lớn này là bằng chứng mạnh mẽ về tội phạm có tổ chức đằng sau việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đến hoặc vào Singapore".
Singapore đã tịch thu tổng cộng 37,5 tấn vảy tê tê kể từ tháng 4/2019, bao gồm kết quả trong một cuộc đột kích lớn nhất trên toàn thế giới suốt 5 năm qua.
Tuần trước, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết các tập đoàn tội phạm có tổ chức ở Đông Nam Á đang đẩy mạnh việc buôn bán trái phép ma túy, động vật hoang dã, hàng giả và buôn người.
"Các chính phủ ở Đông Nam Á nên xem xét lại luật hình sự của mình để đảm bảo rằng các cơ quan thực thi pháp luật được ủy quyền hoàn toàn, theo dõi các luồng tài chính liên quan đến tội phạm động vật hoang dã và truy tố tội phạm rửa tiền", báo cáo cho hay.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Aljazeera)