+Aa-
    Zalo

    Mặt tối của nền giáo dục Singapore: Áp lực học tập đè nặng lên những "đôi vai nhỏ bé"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày càng có nhiều trẻ em Singapore phải nhờ tới dịch vụ hỗ trợ tâm lý vì phải đối phó với áp lực đạt thành tích xuất sắc.

    Ngày càng có nhiều trẻ em Singapore phải nhờ tới dịch vụ hỗ trợ tâm lý vì phải đối phó với áp lực đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

    Học sinh Singapore bị trầm cảm dưới áp lực thành tích từ bố mẹ và nhà trường. Ảnh: Getty

    Cái giá cho vị trí số 1 thế giới

    Singapore coi giáo dục là trọng tâm phát triển từ khi giành độc lập vào những năm 1960 và hiện nay, hệ thống giáo dục của nước này đang đứng đầu trong bảng xếp hạng quốc tế PISA - hệ thống được mệnh danh là cúp vàng thế giới ở môn toán, đọc hiểu và khoa học.

    Tuy nhiên, mới đây, giới chuyên gia của Singapore đã rung lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em Singapore phải đối mặt với các triệu chứng lo lắng, căng thẳng ngay từ khi học tiểu học, thậm chí còn có những trường hợp cực đoan dẫn đến việc tự tử.

    Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy học sinh Singapore có mức độ áp lực học tập ở trường cao hơn rất nhiều so với quốc gia khác. Trẻ em Singpore có mức độ lo lắng cao hơn mức trung bình toàn cầu.

    Các em đối mặt với giờ học dài ở trường, về nhà mất nhiều giờ làm bài tập được giao, sau đó là đi học thêm do bố mẹ thúc ép, gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.

    Gánh nặng học hành từ tuổi còn nhỏ có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em. Ảnh: AP

    Một câu hỏi mà 5.825 học sinh Singapore được khảo sát đã không trả lời, là các em hài lòng ra sao với cuộc sống của mình, nhưng phần trả lời những câu hỏi khác cho thấy hầu hết đều lo lắng về bài thi và thứ hạng trong lớp.

    Trong hệ thống giáo dục ở Singapore, học giỏi chưa đủ. Điều quan trọng là bạn phải vượt trội, làm tốt hơn so với những người khác. Giả sử nếu bạn nhận được 85/100 cho bài kiểm tra của mình nhưng phần lớn học sinh trong lớp nhận được 90/100, có thể bạn sẽ chỉ nhận được xếp hạng B4 (mức thấp nhất, hoàn thành dưới 50%).

    Do đó, các bậc cha mẹ Singapore đã chi tiền cho việc học gia sư, tư nhân để giúp con duy trì khả năng cạnh tranh với những đứa trẻ cùng lớp. 

    Nó giống như một cuộc chạy đua vũ trang, nơi người ta mãi mãi cố gắng để nằm trong 10% top đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc với những cha mẹ không đủ khả năng chi trả, con của họ sẽ bị bỏ lại phía sau.

    Tỉ lệ tự tử tăng cao

    Gần như tất cả học sinh Singapore đều học thêm gia sư, cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ. Ảnh: Getty

    Theo Cơ quan Ngăn ngừa tự tử Samaritan của Singapore (SOS), năm 2015 đã có 27 vụ tự tử xảy ra ở trẻ em 10-19 tuổi ở nước này, tăng gấp đôi so với năm 2014 và cũng là tỉ lệ cao nhất trong hơn một thập niên qua ở đảo quốc sư tử. Theo SOS, các vấn đề về sức khỏe tinh thần, áp lực học tập, cũng như các mối quan hệ ở nhà và trường học chính là nguyên nhân gây áp lực lớn nhất với những trẻ em này.

    Hồi tháng 5/2016, Singapore chấn động với vụ việc một cậu bé 11 tuổi tự sát bằng cách nhảy xuống từ tầng 17 trong chung cư của mình. Kết luận điều tra của cảnh sát cho thấy cậu bé tự sát vì đạt điểm thấp trong kỳ thi ở trường.

    Bà H., mẹ cậu bé, sau đó thừa nhận rằng thường đánh vào tay con trai mỗi khi con đạt ít hơn 70/100 điểm. Bà H. cũng cho biết trước khi tự giam mình vào phòng ngủ và nhảy lầu tự sát, con bà đã nói dối về kết quả học tập để làm vừa lòng cha mẹ.

    Tuy nhiên, trong kỳ thi vừa qua, điểm cao nhất mà em đạt được là 57,5/100 điểm môn khoa học. Điểm trung bình các môn học của em là 45,5 điểm. Đây là lần đầu tiên đứa trẻ 11 tuổi đạt điểm dưới trung bình. Thay vì phải đối mặt với sự thất vọng của cha mẹ, cậu bé đã chọn cách kết liễu cuộc đời khi còn quá nhỏ.

    Hiện trường vụ tự tử của cậu bé 11 tuổi. Ảnh: SCMP

    Howard Tan, cựu giáo viên tiểu học Singapore đã chuyển sang làm gia sư riêng, nói rằng ông từng gặp phải những bậc cha mẹ gây nhiều áp lực không đáng có cho những đứa trẻ của họ. Họ thậm chí thất vọng ngay khi con mình đạt được ít hơn 90% trong các bài kiểm tra.

    Tan cũng nói rằng khi còn dạy các lớp giáo dục thể chất ở trường tiểu học, anh nhận thấy một số trẻ em thiếu kỹ năng vận động. "Học sinh cần được giao lưu và học cách giải quyết xung đột với các đứa trẻ khác. Nhiều học sinh tôi dạy đã không biết cách đối phó với những bất đồng; chúng chỉ la hét vì không biết làm gì hơn.", anh Tan nói.

    Trái lại, Phần Lan, trẻ em không đi học cho đến khi đủ 7 tuổi. Học sinh có rất ít hoặc không có bài tập về nhà, kỳ nghỉ dài hơn, chỉ có một kỳ thi chính vào năm cuối bậc trung học và văn hóa "dạy thêm, học thêm" thì vô cùng xa lạ. Kết quả là, đất nước này xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng PISA, học sinh phát triển thành những người có tư duy phản biện và kỹ năng xử lý tình huống.

    Những giải pháp “le lói”

    Ông Ong Ye, Bộ trưởng Bộ giáo dục Singapore. Ảnh: AP

    Singapore đang nỗ lực giảm áp lực trong trường học bằng các biện pháp cải cách, loại bỏ một số bài kiểm tra. “Chúng tôi phải cân bằng giữa niềm vui học tập và sự nghiêm khắc trong giáo dục”, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye tuyên bố một số thay đổi trong kỳ họp quốc hội đầu năm.

    Các nhà chức trách hy vọng cải cách giáo dục sẽ giảm bớt áp lực lên học sinh. Ngoài loại bỏ bớt một số bài thi ở tiểu học và trung học, các trường sẽ phân nhóm học sinh theo khả năng các môn toán và khoa học, thay vì bắt học tất cả các môn. Học sinh được cùng tham gia các lớp nghệ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất.

    "Cải cách đem lại một số hiệu quả nhất định", Jason Tan, chuyên gia giáo dục Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, nhận xét.

    Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất trong việc giảm bớt áp lực cho học sinh chính là thái độ và kỳ vọng của cha mẹ. 

    Cindy Khoo, trưởng phòng kế hoạch Bộ Giáo dục, cho biết nhà trường đã "tích cực tham gia để giải thích với phụ huynh rằng những cải cách sẽ có lợi như thế nào cho con cái họ về lâu dài”. Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng việc gây sức ép lên con cái đã ăn sâu vào văn hóa làm cha làm mẹ tại Singapore.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mat-toi-cua-nen-giao-duc-singapore-ap-luc-hoc-tap-de-nang-len-nhung-doi-vai-nho-be-a282959.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan