(ĐSPL) – Ngày 25/9, tình trạng ô nhiễm không khí đang bao trùm một phần khu vực Đông Nam Á, đặc biệt nghiêm trọng tại Singapore do khói bụi từ Indonesia, khiến các quan chức “đảo quốc sư tử” chỉ trích dữ dội một số chính trị gia Indonesia.
[mecloud]eAQuXiHUa9[/mecloud]
Chỉ số ô nhiễm không khí PSI đo được vào sáng 25/9 là 341 – mức kỷ lục trong năm 2015. (PSI = 300 được coi là ngưỡng rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.)
Theo AFP, trước đó Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla gây xôn xao dư luận khi một lần nữa khẳng định các nước láng giềng của Indonesia “nên biết ơn vì được hưởng bầu không khí trong lành trong gần suốt cả năm”. “Trong 11 tháng, họ tận hưởng không khí sạch từ Indonesia mà chẳng hề nói lời cảm ơn chúng tôi” - ông Kalla nhấn mạnh.
Lập tức, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam phản ứng: “Trong khi Indonesia cam kết thực hiện các biện pháp chống cháy rừng thì cùng lúc chúng ta lại nghe thấy những phát ngôn gây sốc từ cấp cao ở nước này, phát ngôn coi thường cả người dân Singapore và Indonesia”.
Cảng Singapore trong và trước đợt ảnh hưởng khói bụi |
Ông Shanmugam gay gắt: “Tại sao quan chức cấp cao trong chính quyền họ lại có thể đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm như vậy mà không hề cảm thấy xấu hổ?” Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cũng cho rằng Indonesia cần phải nỗ lực chống nạn đốt rừng gây khói bụi.
Phản ứng trước lời chỉ trích của ngoại trưởng Singapore, người phát ngôn chính phủ Indonesia, Ari Dwipayana đáp trả lại rằng các nước láng giềng nên ghi nhận nỗ lực chống cháy rừng của quốc gia này. “Tổng thống đã huy động mọi nguồn lực để dập các đám cháy. Chúng tôi rất nghiêm túc trong việc chống cháy rừng và khói bụi” - ông Ari nói.
Tin tức từ báo Tuổi Trẻ cho biết, Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long đã có bài phát biểu với các nhà chức trách Indonesia vào tối thứ năm (24/9) vừa qua. Ông cho rằng sự việc này là “sự thiếu tôn trọng đối với người dân Singapore và ngay cả đất nước Indonesia”.
Nguyên nhân của những đám khói đang phủ gần kín quốc đảo Singapore là do hàng loạt những cánh rừng ở Sumatra, Indonesia đang bị đốt để làm rẫy trồng cọ và cao su.
Bên cạnh đó, ông Lý Hiển Long cũng chia sẻ trên facebook cá nhân của mình: “Chúng tôi đã kinh ngạc trước các báo cáo về tình hình môi trường của Indonesia, với chỉ số PSI ở một số nơi đã chạm đến mức 2000.”
Theo CNN, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFR) cảnh báo cháy rừng và khói bụi sẽ khiến Đông Nam Á tổn thất tới 14 tỷ USD do thiệt hại từ cháy rừng, các tác động tiêu cực đến đến sức khỏe người dân, môi trường và du lịch.
Người Singapore phải đeo khẩu trang khi ra đường vì khói bụi - Ảnh: Reuters. |
Để đối phó kịp thời với tình hình ô nhiễm khói bụi, chính phủ Singapore đã thiết lập một số biện pháp khẩn cấp như đóng cửa tạm thời tất cả trường tiểu học và trung học cơ sở, phát khẩu trang miễn phí. Khuyến khích người dân ở trong nhà nếu có thể và tránh các hoạt động ngoài trời (chạy bộ tập thể dục, vui chơi dã ngoại hay làm các công việc ngoài trời), đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ và người bị bệnh hô hấp.
Các chuỗi thức ăn nhanh như McDonalds, KFC và Pizza Hut cũng tạm ngưng dịch vụ giao hàng tận nơi của mình cho đến khi chỉ số PSI duy trì dưới 300.
Tổ chức Hòa bình xanh cũng cho biết mỗi năm 110.000 người thiệt mạng vì các căn bệnh liên quan đến ô nhiễm khói bụi. CIFR kêu gọi chính phủ Indonesia phải xiết chặt luật ngăn chặn sử dụng đất rừng để trồng trọt. Các chuyên gia môi trường cho biết vấn đề là một mạng lưới nông dân, doanh nghiệp và quan chức ở Indonesia hưởng lợi lớn từ việc đốt rừng để trồng cọ.
GIA BẢO (Tổng hợp)
Xem thêm Video tin tức nóng:
[mecloud]jXANF2gOBS[/mecloud]