(ĐSPL) - Có thể nói, phương thức hoạt động buôn bán hàng lậu trên trang mạng Sieuthihanghoa... của Công ty Cổ phần truyền thông đầu tư và phát triển công nghệ Việt Nam đã qua mặt các cơ quan chức năng trong thời gian dài. Đến khi báo Đời sống và Pháp luật đăng tải thông tin, cơ quan quản lý thị trường tại Hà Nội, trực tiếp là đội Quản lý thị trường số 13 mới vào cuộc tìm hiểu.
Theo điều tra của PV báo Đời sống và Pháp luật, Công ty Cổ phần truyền thông đầu tư và phát triển công nghệ Việt Nam không phải là đơn vị duy nhất làm ăn theo hình thức này. Thậm chí, nhiều trang mạng vẫn còn quảng cáo hàng không hóa đơn tinh vi, bài bản và thủ đoạn hơn.
Từ khi PV phản ánh, kho hàng không hóa đơn ở tòa nhà B11A luôn cửa đóng then cài. |
Quản lý lỏng lẻo, “buôn lậu online” mọc như nấm
Sau khi chứng kiến sự “tác oai tác quái”, ngang nhiên buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên trang mạng, Sieuthihanghoa..., nhiều người đặt câu hỏi cơ quan nào quản lý hoạt động buôn bán của trang mạng trên?
Để làm rõ vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT&CNTT, thuộc Bộ Công Thương). Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên ở Phòng Pháp chế của Cục này (vì không phải là người phát ngôn chính thức nên đề nghị giấu tên-PV) cho rằng, những trang web kinh doanh qua mạng phải có trách nhiệm đăng ký với Cục TMĐT&CNTT nhưng việc họ buôn bán kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái thì không phải là chức năng quản lý của Cục(!?).
Câu trả lời của nhân viên này khiến chúng tôi cảm thấy khá bất ngờ. Bởi, theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về Thương mại điện tử của Chính phủ thì hành vi, lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh là hành vi bị cấm (điểm b, khoản 1, Điều 4). Tại điểm a, khoản 3, Thông tư số: 12/2013/TT – BCT quy định, Bộ Công Thương huỷ bỏ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của các thương nhân, tổ chức nếu vi phạm Điều 4 Nghị định 52. Như vậy, với các trường hợp các website tổ chức buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu thì đương nhiên sẽ bị huỷ bỏ đăng ký website và trách nhiệm này là của Bộ Công Thương và trực tiếp là Cục TMĐT&CNTT.
Cũng theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, chính vì sự quản lý lỏng lẻo trong hoạt động thương mại điện tử như hiện nay nên nhiều cá nhân, tổ chức càng được thể ngang nhiên hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên mạng nhưng không một cơ quan chức năng nào nhòm ngó tới.
Đơn cử như website Thoitrangthegioi... chuyên kinh doanh các sản phẩm về kính mắt thời trang, dây lưng, ví da, túi xách... nhái theo thương hiệu của các hãng thời trang lớn. Trên trang này ngang nhiên quảng cáo trụ sở chính đặt tại tòa nhà HITC, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế địa chỉ trên là địa chỉ ma. Người tiêu dùng bị lừa vì nghĩ công ty này đang hoạt động ở một toà nhà hạng sang của Thủ đô. Thậm chí, theo tìm hiểu của chúng tôi thì chủ của trang website Thoitrangthegioi... còn không thèm đăng ký trang website này với Cục TMĐT&CNTT.
Nhiều trang web không đăng ký tại Cục TMĐT&CNTT vẫn ngang nhiên bán hàng. (Ảnh chụp từ trang web Thoitrangthegioi...) |
Qua tìm hiểu, xác minh về phương thức bán hàng của các trang mạng trên, chúng tôi tự hỏi liệu ở Việt Nam còn bao nhiêu website kiểu này đang hoạt động kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái mà cơ quan chức năng không biết tới? Và còn bao nhiêu website mặc nhiên kinh doanh hàng hoá vi phạm điều cấm của pháp luật mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”!?
Những bất thường cần làm sáng tỏ
Trong khi các bài viết phản ánh về phương thức kinh doanh hàng lậu, hàng nhái trên trang mạng Sieuthihanghoa... được đăng tải, PV báo Đời sống và Pháp luật đã đến làm việc với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội để làm rõ hơn về hoạt động bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu của Công ty Cổ phần truyền thông đầu tư và phát triển công nghệ Việt Nam, chủ của hai trang mạng trên.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, các đơn vị trực thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trực tiếp là Đội Quản lý thị trường số 13 vào cuộc xác minh và kiểm tra. Thời điểm kiểm tra là 25/12/2014, nhưng theo thông tin chúng tôi nhận được, công tác kiểm tra không phát hiện được bất cứ một sản phẩm hàng lậu nào của Công ty Cổ phần truyền thông đầu tư và phát triển công nghệ Việt Nam. Điều duy nhất mà Đội Quản lý thị trường số 13 phát hiện ra sai phạm, đó chính là việc công ty này từ khi chuyển về nhà số 11 (đường số 6, khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chưa đăng ký trụ sở tại đây(?!).
Theo thông tin chúng tôi nắm được trước đây thì công ty này đã về đặt trụ sở và hoạt động ở đây gần một năm nay. Hơn nữa, kể từ khi báo Đời sống và Pháp luật phản ánh, thấy “động”, kho hàng ở tầng 12 tòa nhà B11A luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Đứng trước cách “đối phó” này, lực lượng quản lý thị trường cũng “bó tay”.
Kết quả kiểm tra khiến chúng tôi thấy thất vọng. Bởi, trước thời điểm Đội Quản lý thị trường số 13 tiến hành kiểm tra một ngày, chúng tôi có gọi điện theo số hotline 046292... ghi sẵn trên website Sieuthihanghoa... để hỏi mua đồng hồ thương hiệu Rolex, RX104 (hàng lậu, nhái), và đồng hồ nam thương hiệu Citizen CZ010S (hàng lậu, nhái) thì phía đầu dây bên kia, một nhân viên nữ vẫn cho biết hàng còn nhiều. Kinh ngạc hơn, ngày 26/12/2014, tức là một ngày sau khi Đội Quản lý thị trường số 13 tiến hành kiểm tra, PV tiếp tục gọi điện thoại đến số hotline trên, nhân viên đầu dây bên kia vẫn khẳng định cần bao nhiêu cũng có(?!). Liệu đây có phải là một trong những thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng, hay còn có bí mật nào khác mà chúng tôi chưa phát hiện?
Sự việc trên cho thấy hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên mạng hiện nay diễn ra công khai, phức tạp và rất khó quản lý. Người buôn cứ buôn còn cơ quan quản lý thì cứ “mò mẫm” kiểm tra...
Việc để các trang mạng tự tung tự tác, bày đủ chiêu trò mà không thể kiểm soát được. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Giở chiêu giảm giá gây sốc để câu khách Một thủ đoạn đánh lừa người tiêu dùng được các trang mạng Sieuthihanghoa..., Thoitrangthegioi... lặp đi lặp lại đó là liên tục tung ra thông tin giảm giá gây sốc. Như đồng hồ nam cao cấp Citizen CZ010S (hàng nhái, không hóa đơn) được rao giảm 53\% so với giá gốc. Giá gốc mà các trang mạng này đưa ra là 5 triệu đồng và giảm giá xuống còn 2 triệu đồng. Hoạt động này khiến nhiều người lầm tưởng công ty đang trong thời gian giảm giá sản phẩm, nhưng thực chất đây chỉ là chiêu thức đánh lừa người tiêu dùng. Được biết, một đồng hồ Citizen CZ010S được nhập từ Trung Quốc về chỉ có giá khoảng 500-700 ngàn đồng. |