+Aa-
    Zalo

    "Siêu bão" từng đổ bộ biển Đông: Bão Yagi mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua

    (ĐS&PL) - Theo các cơ quan khí tượng đánh giá bão số 3 (Yagi) đổ bộ nước ta, được cho là siêu bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua, thiết lập nhiều kỷ lục mới.

    Bão số 3 (Yagi) diễn biến phức tạp, hiếm gặp

    Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng khi đổ bộ vào Việt Nam. Mặc dù đã có công tác chuẩn bị, ứng phó chu đáo, nhưng siêu bão này vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề.

    Bão số 3 là một cơn bão nhiệt đới cực mạnh, được ghi nhận là một trong những cơn bão lớn nhất trong nhiều thập niên qua trên Biển Đông. Với sức gió cực đại, Yagi được xếp vào loại siêu bão. Đây cũng là cơn bão có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trong Biển Đông với sức tàn phá vô cùng khó lường; diễn biến phức tạp, hiếm gặp.

    Theo tin tức trên báo Đảng Cộng sản Việt Nam, tối 1/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippines. Sáng 2/9, bão vượt qua khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippines) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2024.

    Chỉ sau khoảng 2 ngày, từ cấp 8 bão đã tăng 7 cấp. Và đến 10h sáng ngày 5/9, bão số 3 đạt cường độ cực đại cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17).

    Theo các chuyên gia khí tượng, đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão.

    Bão số 3 luôn duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 16. Khi ảnh hưởng đất liền cường độ mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.

    Vào Việt Nam, bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc đã bị tổn thất rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7, tháng 8.

    Cơn bão Yagi làm cho khoảng 40.000 cây xanh gẫy đổ trên địa bàn TP. Hà Nội. (Ảnh: Báo Đảng cộng sản Việt Nam)

    Cơn bão Yagi làm cho khoảng 40.000 cây xanh gẫy đổ trên địa bàn TP. Hà Nội. (Ảnh: Báo Đảng cộng sản Việt Nam)

    Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, đây là cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Lần thứ 3 trong lịch sử cấp độ rủi ro thiên tai (cấp độ 4 màu đỏ) được ban hành và cũng lần đầu tiên trong lịch sử cấp độ 4 được sử dụng ở Vịnh Bắc Bộ.

    Sau hơn một ngày "tấn công" vào đất liền Việt Nam, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ. Sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp. Đến chiều tối 8/9, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần.

    Sau một đêm, quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, tan hoang, đổ nát bởi sức mạnh của bão Yagi. (Ảnh: Dân trí)

    Sau một đêm, quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, tan hoang, đổ nát bởi sức mạnh của bão Yagi. (Ảnh: Dân trí)

    Yagi gây lũ, ngập lụt, sạt lở kinh hoàng

    Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, do mưa lớn, từ ngày 8/9, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3 (BĐ3), một số sông vượt BĐ3 từ 3-4m.

    Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m (16h00 ngày 10/9/2024), trên mức BĐ3 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m.

    Cùng với đó, lũ trên Hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập. Cụ thể, hồ thủy điện Thác Bà được khảo sát, thiết kế từ năm 1959 - 1961, số liệu thủy văn đo đạc lưu lượng thời đó còn có hạn chế nên thiết kế đập tràn có khả năng xả lớn nhất chỉ 3.230m3/s. Trong khi, thực tế, lưu lượng lớn nhất về hồ Thác Bà là 5.620m3/s vào lúc 9h00 ngày 10/9, vượt đỉnh lũ thiết kế 0,01% (5.100m3/s) và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.

    Theo quy trình vận hành, khi mực nước hồ Thác Bà lên mức 59,60m sẽ chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt để đảm bảo an toàn đập. Thực tế, từ 17h00 ngày 10/9/2024, mực nước hồ Thác Bà đã đạt mức 59,62m và chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt, sau đó đạt mức cao nhất là 59,84m vào hồi 5h00 ngày 11/9. Theo lý thuyết, mực nước kiểm tra của hồ Thác Bà là 61,0m và nếu mực nước thực tế đạt đến ngưỡng này sẽ phải thực hiện các phương án để đảm bảo an toàn đập.

    Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy. Theo thống kê, có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.

    Do mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh... Đặc biệt là tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.

    Bão Yagi để lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản

    Làng Nủ trở thành nỗi đau dai dẳng không thể xóa nhòa của những người ở lại. (Ảnh: CAND)

    Làng Nủ trở thành nỗi đau dai dẳng không thể xóa nhòa của những người ở lại. (Ảnh: CAND)

    Ngày 28/9, tại hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo về thiệt hại và tác động của bão số 3 đến phát triển kinh tế - xã hội.

    Tính đến 27/9, bão lũ đã làm 334 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.

    Thiên tai còn gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và Nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ chưa đầy đủ trên 81.000 tỉ đồng (tương đương gần 3,3 tỷ USD) - đây là mức tăng gấp đôi so với báo cáo ngày 15/9.

    Có khoảng 282.000 căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp do sạt lở đất. Nông nghiệp thiệt hại khoảng 285.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 189.982ha rừng; 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết.

    Nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại như đường dây truyền tải, trạm biến áp, cột viễn thông, tuyến cáp quang, trạm BTS bị mất liên lạc; đã xảy ra 796 sự cố đê điều; 820 vị trí trên các tuyến quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở, 3.517 công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng...

    Bộ nhận định thiên tai làm cho tăng trưởng cuối năm và nhiều địa phương có thể chậm lại. Trong đó, quý 3 có thể giảm 0,35%, quý 4 giảm 0,22% và ước cả năm GDP có thể giảm 0,15%.

    Tăng trưởng dù có thể đạt 6,8-7%, nhưng nhiều ngành sản xuất đều giảm, tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... giảm trên 0,5%.

    Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 công điện, theo dõi sát tình hình, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm là phải chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. (Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

    Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 công điện, theo dõi sát tình hình, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm là phải chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. (Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

    Trong bối cảnh đó, nhiều biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ đã triển khai. Trong đó nghị quyết số 143 huy động gần 700.000 người và gần 9.000 phương tiện ứng phó với bão, lũ, có 7 quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia (350 tỉ đồng và 432,585 tấn gạo), hỗ trợ 19 tấn hóa chất, 3 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs; hạt giống...

    Cùng đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế gửi điện thăm hỏi, chia sẻ với Việt Nam về thiệt hại do bão lũ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/sieu-bao-tung-o-bo-bien-ong-bao-yagi-manh-nhat-trong-nhieu-thap-ky-qua-a479213.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan