(ĐSPL) - Khi tình hình biển Đông vẫn còn đang căng thẳng, những ngư dân vẫn kiên cường bám trụ với ngư trường, thì con em của họ càng quyết tâm vượt qua sóng gió về với đất liền theo đuổi niềm khát khao tri thức và cống hiến cho Tổ quốc.
Sĩ tử Nguyễn Thị Thanh Thanh (Trường THPT Lý Sơn) được những chiến sĩ tiếp sức mùa thi giúp đỡ sau chuyến xe từ cầu cảng cá Lý Sơn vào TP HCM. |
Vượt từng cơn sóng để vào đất liền với ước mơ tiến vào giảng đường đại học, những thí sinh đến từ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang chứng tỏ sự khát khao và nghị lực của mình.
Từ mơ ước phục vụ quê hương…
Trước kì thi ĐH-CĐ năm 2014 hơn 3 tháng, em Nguyễn Thị Thanh Thanh (Trường THPT Lý Sơn) từng có ý định bỏ kì thi. Bởi lẽ, em muốn giúp mẹ làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống nghèo khó.
Vào năm 2010, ba của Thanh, ông Lê Minh Tân cùng tàu cá đã bị một tàu cá nước ngoài đâm chìm trong một lần đánh bắt tại ngư trường gần đảo Bom Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam). Hơn 10 ngư dân cũng đã mất tích, cho đến nay vẫn không tìm thấy một mảnh gỗ nào từ chiếc tàu cá QNg 66192TS.
Thanh bộc bạch: “Nghe tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần đảo Tri Tôn, em lại lo lắng về sự an toàn của những chiếc tàu cá mỏng manh của ngư dân mình. Điều này đã tiếp thêm động lực để em quyết tâm học tập thật tốt. Kỳ thi ĐH này em sẽ thi vào trường Đại học Cảnh Sát, mong sau này sẽ được làm nhiệm vụ canh giữ bình yên cho đất nước Việt Nam”.
Những đứa con của ngư dân Hoàng Sa đang ra sức học tập để đạt kết quả tốt trong kỳ thi ĐH-CĐ 2014. |
Cùng cảnh ngộ với Thanh, trong ngày làm thủ tục thi, em Võ Ngọc Duyên, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, vừa kịp có mặt tại Sài Gòn. Sở dĩ, Duyên phải vào trễ đến vậy vì phải lo thu hoạch cho xong vườn tỏi.
Mẹ Duyên bị ung thư mất cách đây hơn 3 năm, ba Duyên thường xuyên vươn khơi bám biển, tuy nhiên bị tàu cá Trung Quốc tấn công, cướp tài sản tại Hoàng Sa nên trắng tay, số tiền cả nhà nợ lên đến gần 1 tỉ đồng. Gia đình khó khăn không đủ khả năng trả nợ nên Duyên cố gắng phụ giúp gia đình bằng việc tự canh tác tỏi.
“Em cố gắng đậu vào trường ĐH Nông Lâm TP.HCM để sau này trở thành một kỹ sư nông nghiệp, tạo ra những cây giống tốt để giúp bà con trồng tỏi đạt hiệu quả cao. Ước mơ của em là tìm ra phương pháp canh tác hiệu quả để gia đình em thoát nghèo” - Duyên chia sẻ.
… đến ước mơ vươn ra biển lớn
Trong gần một tháng đánh bắt cá gần bờ, ông Huỳnh Văn Lang (40 tuổi), bố thí sinh Trần Thanh Phong (Lý Sơn), đã tích góp gần 3 triệu đồng làm lộ phí cho con. Ông Lang cũng từng là một thuyền viên của những chiếc tàu đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Tuy nhiên, do sức khỏe giảm sút ông phải chuyển sang đáng bắt gần bờ.
Phụ huynh cùng sĩ tử đảo Lý Sơn vừa kịp có mặt trước ngày thi ĐH. |
Ước mơ của Phong là sẽ đậu vào trường Đại học Luật TP.HCM để sau này trở thành một luật sư giỏi, góp phần sức lực của mình vào việc đấu tranh pháp lý để đòi lại chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phong cho biết: “Đây là cách mà em thể hiện lòng yêu nước”.
Những thí sinh khác như Võ Ngọc Tiết, Trần Đình Trung… mong muốn đậu vào Khoa Báo chí trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM để trở thành nhà báo, viết những bài báo lên án Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Điểm chung của những con em ngư dân đảo Lý Sơn đều là mong muốn đậu vào các trường ĐH để mai sau có thể giúp đỡ được bà con nơi quê hương, đồng thời lên án những hành động của Trung Quốc đã xâm phạm đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Huỳnh Văn Long - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn cho biết, kỳ thi ĐH-CĐ 2014 huyện Đảo Lý Sơn có 400 thí sinh dự thi. Theo ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật, tại TP HCM, Hội đồng hương Quảng Ngãi đã tổ chức tiếp sức mùa thi. Hầu hết các thí sinh Quảng Ngãi đã được các chiến sĩ tiếp sức lo chỗ ăn, ngủ thuận tiện nhất. |