Muốn cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải thông qua dịch vụ của Uber phải nghiên cứu và kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa). |
Trên báo Tuổi trẻ, Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: "Sau khi có dịch vụ Uber, chúng tôi đã nghiên cứu và khẳng định đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải, và dịch vụ này đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải tại Việt Nam thì sau khi đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam có thể kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải"
Như vậy, nếu dịch vụ Uber đăng ký kinh doanh tại Việt Nam thì hoàn toàn đủ điều kiện để cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải này.
Ông Hùng cũng khẳng định, khi dịch vụ taxi Uber hoạt động, Uber sẽ không chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như sự an toàn của dịch vụ vận tải, mà chính người cung cấp dịch vụ vận tải phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, những người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber cũng phải có đủ điều kiện đăng ký kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ trên báo điện tử Chính phủ, ông Micheal Brown - Tổng Giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á khẳng định: "Uber không phải là một công ty taxi mà là một công ty công nghệ, đăng ký kinh doanh của chúng tôi với Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM là trên lĩnh vực công nghệ. Chúng tôi được cấp mã số thuế, vì vậy chúng tôi tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến thuế mà pháp luật quy định.
Tuy nhiên, chúng tôi không sở hữu đội xe hay thuê lái xe mà chỉ đơn giản là thực hiện kết nối người cần di chuyển với lái xe của các DN vận tải đã đăng ký dịch vụ Uber".