Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đề nghị, muốn các doanh nghiệp làm tôn tốt thì phải có giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, và ý thức của người tiêu dùng.
Bóc mẽ chiêu trò
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn nạn hàng giả nhái, hàng kém chất lượng, thực sự đang là nguy cơ, trong khi kinh tế Việt Nam hiện đang tồn tại cả cơ hội và thách thức. Cơ hội từ các hiệp định song phương, ưu đãi thuế quan, TPP… Trong đó, rõ ràng Việt Nam có cơ hội học hỏi và hợp tác với các nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản… đã phát triển ở mức cao, khả năng sinh lời đã hạn chế.
“Theo quy luật, đương nhiên nguồn vốn sẽ dịch chuyển vào khu vực nào tăng trưởng nhanh nhất và sinh lời nhất, chắc chắn sẽ là khu vực Đông Nam Á. Tôi tin rằng trong 10 -30 năm nữa khu vực này sẽ phát triển rất mạnh”, ông Vũ nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, thách thức là không chỉ phải cạnh tranh với các nước lớn trên thế giới, mà chúng ta phải cạnh tranh ngay với các nước trong khu vực. Trong đó phải kể đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia…. Nếu không tận dụng được cơ hội này, chắc chắn Việt Nam sẽ bị tụt lại.
“Vấn nạn hàng giả, hàng nhái chính là nguy cơ làm chúng ta tụt lại. Không chỉ trong lĩnh vực tôn thép mà vấn nạn này còn len lỏi trong rất nhiều lĩnh vực khác. Đây là vấn đề của quốc gia, của nền kinh tế chứ không phải của 1 doanh nghiệp nào”, vị lãnh đạo Tôn Hoa Sen nhấn mạnh.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen. |
Các chuyên gia tại Hội thảo "Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và quản lý" sáng nay tại Hà Nội đều cho rằng, các hoạt động hiện nay liên quan đến chống hàng giả, hàng nhái vẫn chưa thực sự có hiệu quả như mong muốn. Việc kiểm tra, kiểm soát còn chưa thường xuyên, liên tục trong cả thời gian dài.
Đại diện Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho biết, hiện chỉ riêng tôn thép, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu, lượng hàng nhập mỗi năm vẫn còn khá cao khoảng 500.000 tấn.
Riêng Tôn Hoa Sen, doanh số năm 2014 tính đến hiện tại khoảng 15.000 tỷ đồng, nhưng hiện công ty vẫn sản xuất không kịp đơn hàng đặt của các đối tác. Theo tiết lộ từ ông Vũ, hiện các sản phẩm kém chất lượng thường hay dùng chiêu để in nhãn mác với cách thức: In ký hiệu “MSC” và “MC” trong chuỗi mã số ký hiệu in ở mặt sau của tấm tôn. Cách thứ hai là thường ghi độ dày 0.35 hoặc 0.42 thay vì 0.35mm hoặc 0.42mm.
Ông Vũ khẳng định, trong số 15 doanh nghiệp trong nước đang sản xuất kinh doanh tôn thép lớn nhất thị trường, chỉ có 3 hoặc 4 doanh nghiệp in mã số đúng quy định và sản xuất đúng với tiêu chuẩn chất lượng, còn lại hầu hết là in MSC và MC.
“Tôi cũng hiểu cái khó của nhiều doanh nghiệp trong nhiều năm qua, để tồn tại trong thời điểm khó khăn, họ phải tồn tại trước đã. Tôi được biết, nhiều anh em doanh nghiệp cũng không muốn làm điều này đâu, nhưng vì nhiều người đang làm, nếu không làm theo thì họ cũng chết, vì không thể cạnh tranh được”, ông Vũ tiết lộ.
Doanh nghiệp phải biết tự bảo vệ mình
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất tôn thép, nạn tôn thép giả như hiện nay, đây là sự thông đồng của nhà sản xuất và nhà phân phối để tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai, là vấn đề lớn từ Trung Quốc. Hiện thị trường tôn thép của Trung Quốc cũng rất hỗn độn, chất lượng tồi. Vì họ chỉ cạnh tranh bằng giá, mà để cạnh tranh được chỉ có bớt chất lượng, bớt tiêu chuẩn.
Đại diện Tập đoàn Hoa Sen cho biết, ở biên giới phía Bắc Việt Nam hiện nay, tôn thép theo đường tiểu ngạch vào nước ta rất nhiều. Khá nhiều hàng hóa giả nhái, kém chất lượng đã lọt qua cửa khẩu, gây thất thoát nghiêm trọng về thuế cho ngân sách. Mặt khác, vấn đề liên quan đến hàng tạm nhập, tái xuất cũng là một thực trạng đối với doanh nghiệp lĩnh vực tôn thép.
Đại diện Tập đoàn Hoa Sen khuyến nghị, người tiêu dùng mua tôn ở bất kỳ đâu phải lấy hóa đơn tài chính ở đó. Đây là cách đầu tiên để người tiêu dùng, bằng chứng tốt nhất để đòi lại quyền lợi của người tiêu dùng.
Công ty này cho biết, nếu lấy đủ hóa đơn tài chính, người muốn gian dối cũng không thể nào gian dối được. Nếu lấy đủ hóa đơn, nguồn thu ngân sách của Nhà nước cũng sẽ không bị thất thu do các doanh nghiệp phải đóng đủ thuế cho nhà nước. Theo các doanh nghiệp, hiện nay rất nhiều nhà sản xuất đã thông đồng với nhà phân phối để lừa dối người tiêu dùng, trốn thuế nhà nước.
Ông Vũ kiến nghị, việc đầu tiên là các cơ quan quản lý nhà nước phải làm hết sức mình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục và lâu dài đối với các loại hàng hóa không chỉ tôn thép.
Thứ hai, bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh phải công bố công khai tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, ngay cả ở những nơi bán hàng để người tiêu dùng có thể biết và không bị lừa đảo khi mua phải hàng kém chất lượng.
Cần phải có sự kiểm tra thường xuyên, có biện pháp chế tài nặng và phải làm liên tục, lâu dài cùng với sự ủng hộ, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan truyền thông, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. “Đây là cuộc chiến thực sự trong nhiều năm. Doanh nghiệp chúng tôi phải tự bảo vệ mình. Các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tôi sẽ sẵn sàng liên kết với họ để làm lành mạnh hóa nền kinh tế”, ông Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ, chỉ làm được điều đó, doanh nghiệp mới có xu hướng làm ăn đàng hoàng, chứ còn nếu cứ thế này, chẳng dại gì họ làm ăn đàng hoàng cả, bởi vì họ làm gian dối họ đã lời quá nhiều rồi.