(ĐSPL) – Say nắng là một trong những căn bệnh mùa hè phổ biến và không nên xem thường. Bởi nó tiềm ẩn nhiều mối đe dọa sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Thời tiết đang vào hè, đôi khi nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 35 - 38 độ C. Ánh nắng gay gắt cộng với nhiệt độ quá cao dễ khiến nhiều đối tượng như người già, trẻ em… sẽ dễ phản ứng và dẫn đến hiện tượng say nắng.
Say nắng là một trong những bệnh mùa hè không nên coi thường. Ảnh minh họa. |
Tạp chí Tiếp thị gia đình cho rằng, say nắng là hiện tượng trúng nóng, trúng nắng do phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hoặc nơi nhiệt độ quá cao. Nhiều bậc cha mẹ xem nhẹ căn bệnh say nắng vì cho rằng nó chẳng có ảnh hưởng gì quá lớn.
Nhưng trên thực tế, nắng nóng liên tục kéo dài dẫn đến nhiều người phải nhập viện cấp cứu do say nắng, đặc biệt là người già và trẻ em. Nếu không xử lý kịp thời, người bị say nắng có thể ngất, thậm chí tử vong.
Vì thế, bạn cần nắm rõ về nguyên nhân và những dấu hiệu của say nắng để biết cách phòng tránh căn bệnh mùa hè phổ biến này.
Xem thêm video Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị say nắng.
Nguyên nhân của bệnh say nắng
Say nắng thường xảy ra khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng. Dưới tác dụng liên tục của ánh nắng mặt trời, dẫn đến cơ thể không điều hòa được thân nhiệt và mất nước.
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị say nắng. Ảnh minh họa. |
Do hệ thống miễn dịch yếu, nhất là ở trẻ em, một số bộ phận chức năng của các bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên khi tiếp xúc với nhiệt độ cao ngoài trời, cơ thể trẻ không thể điều hòa thân nhiệt kịp thời.
Do đang ở trong nhà sau đó ra ngoài trời nắng nóng, sự thay đổi từ nhiệt độ đột ngột dễ dẫn đến hiện tượng say nắng, nhất là đối với những người có sức khỏe yếu, thể trạng yếu, huyết áp thấp…
Ai dễ bị say nắng?
Theo thông tin trên tờ Trí thức trẻ, khi thời tiết quá nắng nóng, tất cả đối tượng đều có thể bị say nắng, nhưng dễ xảy ra nhất đối với những đối tượng dưới đây:
Những người cao tuổi dễ bị say nắng, do tuyến mồ hôi dưới da bị teo lại, hoạt động của hệ tuần hoàn bị suy yếu, cơ thể tỏa nhiệt không nhanh.
Phụ nữ mang thai cũng là những người dễ bị say nắng. Việc mang thai và sinh nở đã làm tiêu hao của họ nhiều năng lượng. Ngay cả khi ngồi trong nhà nhưng nhiệt độ cao, không thông thoáng, nhóm người này cũng có thể bị say nắng.
Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh vì cơ thể phát triển trẻ chưa được hoàn thiện dẫn đến việc điều tiết thân nhiệt cơ thể kém.
Người bị viêm nhiễm, suy dinh dưỡng khi gặp nắng nóng có thể khiến hơi nóng trong người tăng lên nhanh chóng, vi khuẩn và virus làm cho cơ thể tiết ra những chất không có lợi cho việc tỏa nhiệt nên dễ bị say nắng.
Ngoài ra, những người mắc một số bệnh tim mạch cũng dễ bị say nắng, do thời tiết nóng nực khiến thần kinh phấn chấn, tăng gánh nặng cho tim.
Biểu hiện đầu tiên của say nắng là hoa mắt, ù tai, nhiệt độ cơ thể tăng. Ảnh minh họa. |
Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị say nắng
- Ù tai, hoa mắt, nhiệt độ cơ thể tăng.
- Da khô, sắc tố da nhợt nhạt.
- Nhức đầu.
- Mệt mỏi, lả người.
- Buồn nôn, ói mửa.
- Tim đập nhanh và mạnh.
- Trụy tim, rối loạn điện giải.
- Rối loạn chức năng của nhiều cơ quan khác.
Nếu không được phát hiện, cấp cứu, chăm sóc kịp thời, người bệnh sẽ xuất hiện một vài triệu chứng nghiêm trọng hơn:
- Thở gấp, mạch tăng, không kiểm soát được hành vi, lú lẫn, ngất xỉu.
- Cơ thể kiệt nước do đổ mồ hôi, mất nước qua hơi thở và qua da ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
- Bị chuột rút, tay chân co thắt, co giật.
- Hôn mê.
- Huyết áp tụt và suy tim, có thể dẫn đến tử vong.
MẠC NHIÊN(Tổng hợp)