Chiều 23/8, giá dầu thô Brent đã tăng 32 xu Mỹ, lên 96,80 USD/thùng vào lúc 15h14, sau một phiên giao dịch đầy sôi động vào ngày 22/6 khi mức giá giảm hơn 4 USD. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 94 xu Mỹ (1,0%) lên 91,30 USD/thùng.
Tuy nhiên, với tư cách lãnh đạo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ngày 22/8, Saudi Arabia cho biết tổ chức sẵn sàng giảm sản lượng để điều chỉnh đà giảm giá dầu gần đây do thanh khoản thị trường kỳ hạn kém và lo ngại cho nền kinh tế vĩ mô, vốn đã bỏ qua nguồn cung thô vật chất cực kỳ eo hẹp.
Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia SPA dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng nước này, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói với Bloomberg rằng OPEC+ có các phương tiện và sự linh hoạt để đối phó với các thách thức trước mắt.
Không chỉ châu Á, châu Âu hiện phải đối mặt với sự gián đoạn mới về nguồn cung năng lượng do hư hỏng hệ thống đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan qua Nga, làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ khủng hoảng khí đốt.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ có thể đã giảm vào tuần trước, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất tăng lên. Các báo cáo hàng tuần mới nhất dự kiến cho thấy dự trữ dầu của Mỹ sẽ giảm 1,5 triệu thùng.
Chuyên gia Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu PVM (Vương quốc Anh) nhận xét: "Liệu việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC hay OPEC + sau tháng 9/2022 có hợp lý hay không là điều còn nhiều tranh cãi. Bất chấp thị trường suy yếu do lạm phát gần đây, thị trường dầu dường như đã tìm thấy đáy".
Minh Hạnh (Theo Reuters)