Theo tin tức từ Dân trí, thực hiện chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu tiến hành rà soát với các công trình thủy điện vừa và nhỏ khác.
Việc rà soát tiến hành ở cả khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, nghiệm thu các công trình, đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng đường hầm, có điều kiện địa chất công trình phức tạp và tiến độ thi công kéo dài để tránh lặp lại sự cố tương tự như đã xảy ra tại công trình Thủy điện Đạ Dâng.
Sau khi xảy ra sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát tất cả các công trình thủy điện vừa và nhỏ. (Ảnh: Tuổi trẻ). |
Trao đổi với PV báo Thanh niên về kế hoạch này, ông Phạm Tiến Văn, Phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương rà soát lại toàn bộ công trình hồ đập, thủy điện trên cả nước ở tất cả các khía cạnh quy hoạch, tích nước, an toàn… Trong đó, có kiểm tra công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo đang thi công.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ công trình đã tích nước đưa vào sử dụng và công trình đang thi công xây dựng, như thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, vẫn còn trong giai đoạn thi công. Những công trình đang thi công thì việc kiểm soát chất lượng là cả quá trình dài, từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công. Bên cạnh đó, việc kiểm soát này còn liên quan đến rất nhiều thực thể, trong đó có vai trò quản lý, kiểm soát các cơ quan quản lý Nhà nước.
Cụ thể, theo phân cấp của Nghị định 15 ban hành đầu năm 2013, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về công trình xây dựng. Tuy nhiên, các công trình thủy điện sẽ do Bộ Công thương quản lý, công trình giao thông do Bộ GTVT, hồ đập thủy lợi là do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn quản lý… Theo phân cấp thì các địa phương sẽ quản lý những công trình nhỏ, các bộ quản lý công trình lớn.