Sau hơn 2 tuần thí điểm, độ dày lớp bùn trong khu quây sắt trên sông Tô Lịch giảm đi đáng kể, nước trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.
Nước và váng bùn bên trong khu quây thí điểm - Ảnh: Vnexpress |
Vnexpress đưa tin, ngày 7/7, các chuyên gia Nhật Bản công bố kết quả thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor để xử lý phân hủy bùn hữu cơ sông Tô Lịch thành khí CO2 và nước.
Khu vực thí điểm là bãi bùn nổi trên sông Tô Lịch (đoạn gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) rộng khoảng 70 m2, được quây kín tôn từ ngày 17/6.
Sau hơn 2 tuần thí điểm, độ dày lớp bùn trong khu quây sắt giảm 38-48 cm, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh và đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt). Nước trong khu quây trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia về môi trường của Nhật Bản, nhận định: "Công nghệ Nano-Bioreactor đã phân hủy tầng bùn đáy rõ rệt, hàm lượng oxy hòa tan tăng mạnh tạo môi trường tốt cho cá, thủy sinh phát triển".
Ông Yamamura giải thích thêm, công nghệ Nano-Bioreator gồm 2 yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.
Các chuyên gia đặt 4 tấm vật liệu Bioreator, lắp hệ thống phun mưa Nano, lấy nước thải từ bên ngoài tạo dòng chảy bên trong khu vực quây thí điểm.
Theo tiến sĩ Tadashi Yamamura, công nghệ Nano-Bioreactor vừa có khả năng xử lý làm sạch chất lượng nước, vừa có tác dụng phân giải chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy, không cần nạo vét cơ học. Công nghệ này đã được áp dụng thành công tại sông Onga (Nhật Bản) và một số sông ở Trung Quốc, Ấn Độ từ năm 1994.
Trước đó, Tri thức trực tuyến đưa tin, ngày 16/5, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) khởi công dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây (Hà Nội) bằng công nghệ Nano của Nhật Bản. Dự án có tên "Nhà máy xử lý nước thải đặt dưới lòng sông, hồ" được kỳ vọng sẽ xử lý triệt để tình trạng cá chết và làm sạch sông, hồ tại Việt Nam.
Quỳnh Chi(T/h)