+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia hoài nghi hiệu quả của phương án làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dự án làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano của các chuyên gia Nhật Bản đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi của các chuyên gia trong nước.

    Dự án làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano của các chuyên gia Nhật Bản đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi của các chuyên gia trong nước.

    Sáng 16/5, Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch tại đường Bưởi giao với Hoàng Quốc Việt bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản chính thức khởi động tại Hà Nội. Dự án hứa hẹn giải quyết dứt điểm được mùi hôi thối từ bùn đất trong lòng sông suốt nhiều năm nay.

    Tuy nhiên nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, kể cả người dân đều lo ngại về tính khả thi của công nghệ Nano này.

    Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Kính, nguyên Vụ trưởng vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường và ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam bàn về tính khách quan của dự án công nghệ Nano này.

    Ông Nguyễn Khắc Kính, nguyên Vụ trưởng vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường).

    Dự án “Tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản” vừa bắt đầu được thí điểm ngày 16/5 vừa qua, hai ông đánh giá thế nào về dự án này?

    PGS.TS.Nguyễn Khắc Kính: Nhiều năm qua, ô nhiễm sông Tô Lịch là vấn đề nóng của Hà Nội, rất nhiều chuyên gia, rất nhiều nhà thẩm định đã đưa ra nhiều giải pháp tuy nhiên, một phần không được thực thi, một phần không có hiệu quả, nước thải vẫn đổ, giải pháp vẫn cứ chỉ là giải pháp. Nếu lần này công nghệ Nano như các chuyên gia Nhật nói mà hiệu quả thì tốt cho cả người dân cho cả thành phố Hà Nội.

    Ông Hoàng Dương Tùng: Theo tôi đánh giá đây là một giải pháp hay, hiện tại TP. Hà Nội đang thí điểm, trước tiên kết quả thì chúng ta vẫn phải chờ thí nghiệm xong thì mới biết được, dự án này có được như chúng ta mong muốn hay không thì vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Nếu thành công thì là điều hết sức vui mừng, hoặc là thành công 70% cũng là điều chúng ta kì vọng mười mấy năm qua.

    Hai ông có cho rằng tính khả thi của dự án thí điểm công nghệ Nano này là lớn?

    PGS.TS.Nguyễn Khắc Kính: Nói thực, theo quan điểm cá nhân của tôi thì cái giải pháp này cũng không hiệu quả, chỉ càng làm tốn tiền, tốn thời gian mà thôi.

    Những năm trước, nhiều giải pháp khả thi hơn tuy nhiên không được thực hiện, hoặc giải pháp nạo vét sông cũng chỉ được 1,2 hôm thì đâu lại vào đấy. Bởi có đưa giải pháp mà hằng ngày nước thải sinh hoạt cứ thải xuống sông thì cũng bằng hòa, dọc sông cống lớn cống bé đang ngày đêm hoạt động, thì thử hỏi có 10 hay 20 giải pháp cũng chỉ là con số 0.

    Ông Hoàng Dương Tùng: Như tôi đã nói, kết quả hay kì vọng thì cần có thời gian, bản thân tôi thì luôn kì vọng sẽ có hiệu ứng tốt vì dân đã chờ đợi cả gần 20 năm rồi. Mong điều kì diệu sẽ xảy ra.

    Hàng ngày có hàng trăm cống nước thải đủ loại, từ nước thải sinh hoạt, đến nước thải công nghiệp đổ trực tiếp xuống sông.

    Vậy theo hai ông, giải pháp hiệu quả nhất mà ông thấy khả thi là gì?

    PGS.TS.Nguyễn Khắc Kính: Chúng tôi cũng đã nghiên cứu và đánh giá rất nhiều về vấn đề này, thì giải pháp tôi thấy hiệu quả nhất là đào ống ngầm nước thải dưới lòng đất dọc bờ sông, sau đó xây dựng hệ thống xử lý nước thải và bịt những cống nước hiện nay đang đổ ra sông, thì chỉ cần một trận mưa thôi dòng sông đã sạch sẽ chứ không cần mấy giải pháp rửa sông hay giải pháp hiện đại. Tuy tốn tiền nhưng thà đầu tư một lần còn hơn thí nghiệm những giải pháp không hiệu quả, càng làm tốn tiền mà càng mất thời gian, dân lại càng khổ.

    Ông Hoàng Dương Tùng: Chúng ta phải thu gom nước thải hai bên bờ sông về một nơi tập trung và xử lý, thau rửa nước sông Tô Lịch bằng nước ở sông Hồng, đây là phương pháp truyền thống từ trước đến nay TP. Hà Nội vẫn thường hay sử dụng.

    Công nghệ Nano của chuyên gia Nhật Bản theo như công bố với báo chí đó là một nhà máy xử lý nước thải trực tiếp dưới lòng sông, nhưng đó là người ta nói nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi thì vẫn chưa biết được chỉ chờ thời gian và kết quả thôi. Chúng ta đã chờ hàng chục năm rồi. Vì không phải chất thải nước nào cũng giống nước nào, nó sẽ có những chất khác nhau và khi thí nghiệm người ta cần phải đưa ra những tính toán cụ thể

    Pv: Xin cảm ơn hai ông!

    Phát biểu tại lễ khởi động ngày 16/5, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) cho biết, việc xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch không chỉ cần tách được nước thải là xong.

    Theo ông Anh, có 3 vấn đề lớn đó là mùi hôi thối bốc lên, lớp bùn tầng đáy vẫn cần nạo vét cơ học và đặc biệt là mức độ ô nhiễm chì ở Tô Lịch hiện giờ rất nặng, các sinh vật không thể tồn tại được.

    Tuy nhiên, với công nghệ mà phía Nhật Bản đem tới, mỗi máy Bioreactor được coi là những nhà máy xử lý nước thải tý hon đặt ngay dưới lòng sông. Những thiết bị này được giới thiệu có khả năng xử lý nước “nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh” sẽ phân giải hoàn toàn lớp bùn tầng đáy, loại bỏ mùi hôi thối.

    “Đây được coi là cuộc cách mạng về xử lý nước ô nhiễm sông hồ hiện nay, giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ, cách làm cũ để thực hiện theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay, vừa đơn giản, dễ áp dụng, lại tiết kiệm được ngân sách nhà nước”, Giám đốc Công ty JVE nhấn mạnh.

    Cũng trong buổi lễ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TS khoa học Nghiêm Vũ Khải phát biểu, vấn đề ô nhiễm môi trường của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang gặp rất nhiều thách thức. Việc thí điểm các công nghệ hiện đại nhằm xử lý ô nhiễm nguồn nước là cần thiết, đặc biệt với Hà Nội.

     “Mặc dù đây là một công nghệ hiện đại, nhưng không phải là “bảo bối”, cứ như thế môi trường sạch sẽ mãi mãi được. Do vậy, chúng ta phải tiếp cận đến giải pháp tổng thể xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ nguồn”. Ông Khải giải thích thêm.

    Phát biểu trước báo chí, Tiến sĩ Tadashi Yamamura, thành viên đoàn chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường và cũng là người đem công nghệ này đến Việt Nam cho biết, Bioreator đã thành công trong nhiều dự án xử lý ô nhiễm ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Ông cho rằng công nghệ này phù hợp khi áp dụng ở sông Tô Lịch.

    “Sông Tô Lịch có vấn đề lớn nhất là lượng bùn ở tầng đáy rất lớn làm bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu. Chúng tôi cho rằng tình trạng này hoàn toàn có thể xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor”, tiến sĩ Yamamura chia sẻ.

    Di Hân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-hoai-nghi-hieu-qua-cua-phuong-an-lam-sach-song-to-lich-bang-cong-nghe-nhat-a276022.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan