Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã có 343 (163 nữ giới) trường hợp tự tử. Riêng Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân tự tử, trong đó nam 108 trường hợp, độ tuổi nhỏ nhất là 14, lớn nhất 96. Điều may mắn, trong tổng số các trường hợp tự tử được thống kê, phần lớn các trường hợp đều được gia đình phát hiện kịp thời, đưa đi cấp cứu nên chỉ có 6 trường hợp tử vong.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lâm Võ Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, phổ biến nhất là tình trạng tự tử bằng cách dùng thuốc ngộ độc qua đường uống, kế đó tự tử bằng cách tự đâm, treo cổ, nhảy sông… Bệnh nhân tự tử được đưa đến bệnh viện ghi nhận nhiều nhất là dùng thuốc trừ sâu. Có một số loại thuốc rất độc (diệt cỏ, motox) tỷ lệ tử vong rất cao. Thuốc diệt cỏ paraquat rất độc, không có thuốc chữa, tỷ lệ tử vong hơn 90\% dù đến bệnh viện sớm.
Ngoài ra, bệnh nhân còn uống thuốc dưỡng cây dưỡng lá, thuốc diệt chuột, các loại dược phẩm (thuốc an thần, paracetamol…), hóa chất (xà bông, xăng dầu, thuốc tẩy…).
Nguyên nhân tự tử chủ yếu do mâu thuẫn gia đình, ghen tuông tình ái, làm ăn thua lỗ, say rượu, chơi bài bạc, cá độ thua hết tài sản, giận hờn gia đình, giận người yêu, thất tình, bức xúc chuyện cơ quan… và nhiều nhất là tự tử do mâu thuẫn gia đình. Có trường hợp chồng ngoại tình, sợ xấu hổ, uất ức, không biết bày tỏ cùng ai đã tìm đến cái chết. Có trường hợp vợ chồng giận nhau, to tiếng, người vợ không suy nghĩ uống một hơi hết chai thuốc trừ sâu…