+Aa-
    Zalo

    Sau phán quyết của PCA, Trung Quốc sẽ lùi bước hay bành trướng “bẻ cong” công lý

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc về “đường lưỡi bò”, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết Trung Quốc không có căn cứ pháp lý .

    (ĐSPL) - Liên quan đến vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc về “đường lưỡi bò”, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển cung cấp, tại vùng biển thuộc phạm vi “đường chín đoạn”. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với học giả Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh tiến sỹ đại học Brandeis (Mỹ) liên quan đến vấn đề này…

    Trung Quốc tập trận diễu võ dương oai trên Biển Đông (Ảnh: The Guardian).

    Thắng lợi của công lý và luật pháp quốc tế

    Trước hết, ông đánh giá gì về phán quyết của PCA mới đây về vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc liên quan đến “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh tự đặt ra trên Biển Đông?

    Nhìn chung, đây là thắng lợi cho công lý và luật pháp quốc tế nói chung và thắng lợi lớn cho Philippines nói riêng. Trong phán quyết của PCA, có lẽ phần quan trọng nhất là Toà bác bỏ "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với vùng biển bên trong "đường lưỡi bò", vì thiếu cơ sở pháp lý. Có thể nói rằng, PCA tuy chịu nhiều áp lực do phải đưa ra phán quyết về vụ kiện hết sức nhạy cảm về mặt chính trị nhưng vẫn dũng cảm đưa ra phán quyết hoàn toàn chính xác và khách quan. Điều này thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó là lý do vì sao gọi đây là thắng lợi lớn của công lý và luật pháp quốc tế. Đương nhiên, Trung Quốc sẽ phản đối và nhất quyết bác bỏ phán quyết này nhưng điều đó không quá quan trọng vì đây là một đòn giáng thẳng vào hình ảnh và sức mạnh mềm của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Nó gần như vô hiệu hoá mọi luận điệu sai trái của Trung Quốc ở mọi cuộc họp và diễn đàn về vấn đề Biển Đông.

    Và trên thực tế, phán quyết mới đây của PCA cũng rất có lợi cho Việt Nam, bởi nó củng cố tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, PCA không đưa ra phán quyết về chủ quyền của các đảo nên nó không liên quan lập trường, sự nhất quán của Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    Sau phán quyết của tòa PCA, Bắc Kinh tỏ ra khó chịu, biểu hiện là triển khai một cuộc tập trận ngay sau đó. Và tại thời điểm này, Bắc Kinh đang dọa thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Liệu Trung Quốc có đủ nguồn lực, kỹ thuật để triển khai nếu điều đó xảy ra sẽ gặp sự phản ứng như thế nào từ các nước trong khu vực và quốc tế, thưa ông?

    Xét một cách toàn diện, trong số các nước trong khu vực, hiện Trung Quốc vẫn đang có sức mạnh quân sự ưu thế, kể cả khi hải quân của họ không tinh nhuệ bằng hải quân Nhật hay hải quân Mỹ. Theo tôi, Trung Quốc có khả năng để triển khai một vùng ADIZ trên Biển Đông, như họ đã từng làm ở biển Hoa Đông vào cuối năm 2013. Mới đây, Thứ trưởng ngoại giao của Trung Quốc Lưu Chấn Dân nhắc lại chuyện thiết lập ADIZ, nên cá nhân tôi nghĩ vấn đề thiết lập chỉ là thời gian, nhất là khi họ vừa mới thua vụ kiện với Philippines.

    Nhưng câu hỏi thật sự đáng quan tâm đó là ADIZ này sẽ lớn đến mức nào (bao phủ hoàn toàn Biển Đông hay chỉ một phần nhất định nào đó sát bờ biển của Trung Quốc) và Trung Quốc sẽ thực thi ADIZ đó một cách nghiêm ngặt hay không? Dù gì đi nữa, nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, họ sẽ vấp phải sự phản đối rất quyết liệt từ cộng đồng quốc tế nói chung, và đặc biệt là các nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông! Theo tôi, nếu Trung Quốc cố tìm cách để thực hiện điều này thì Bắc Kinh sẽ ngày càng bị “cô lập” trên thực địa Biển Đông.

    Kịch bản tiếp theo

    Ông có thể đưa ra dự liệu gì về những diễn biến tiếp theo liên quan đến tình hình Biển Đông sau phán quyết của PCA? Liệu tới đây Bắc Kinh có chuyển sang giai đoạn “ngủ đông” trước khi tiếp tục triển khai kế sách “tằm ăn rỗi” nhằm độc chiếm Biển Đông hay không?

    Biển Đông sẽ yên ả hay dậy sóng thời gian tới chủ yếu phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của PCA. Thời gian trước mắt, khả năng cao Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo của mình ở Biển Đông và tiếp tục quân sự hoá tranh chấp này bằng việc gấp rút đưa thêm các hệ thống vũ khí quân sự ra các đảo mà họ đang chiếm giữ trái phép để củng cố vị thế trên thực địa. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực lên các quốc gia trong khu vực bằng cách tuyên bố ADIZ như họ đã từng làm ở biển Hoa Đông (East China Sea) ở gần Nhật Bản vào cuối năm 2013. Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự nói chung ở Biển Đông và gia tăng các cuộc tập trận ở đó để biểu dương sức mạnh và răn đe các nước khác nhưng họ sẽ không tự động phát động một cuộc chiến tranh, nhất là khi họ biết rằng cộng đồng quốc tế không ủng hộ.

    Họ có thể sử dụng vũ lực một cách chớp nhoáng khi họ cảm thấy rằng tình hình quốc tế đang rối ren và không ai để mắt đến họ hoặc họ được nhiều quốc gia "bật đèn xanh".

    Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

    VI HẬU

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-phan-quyet-cua-pca-trung-quoc-se-lui-buoc-hay-banh-truong-be-cong-cong-ly-a140490.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan