(ĐSPL) - “Mấy năm trở lại đây, chưa năm nào tôi thấy loài ốc này nhiều như hiện nay. Có đám ruộng chỉ sau một đêm đã bị ốc săn hết mạ non. Hai ba ngày nay, tôi phải liên tục ra đồng để bắt ốc”, cụ Bưng chia sẻ lo lắng trước “đại dịch” ốc bươu vàng.
Đổ xô “diệt” ốc bươu vàng
Hai trận lũ bất thường đã đi qua, nhưng hệ lụy nó để lại cho các tỉnh miền Trung vẫn chưa dứt. Nó không chỉ khiến người dân trắng tay khi hoa màu, cây trái ngập úng, thiệt hại, bỏ đi. Nhiều người còn lâm vào cảnh đói rét bởi nhà cửa hư hỏng, sập mất, nhiều địa phương bị cô lập bởi con đường độc đạo theo dòng nước đục trôi xa.
Hậu quả của tai ương chưa bao giờ chấm dứt khi cảnh mất mát, chia ly còn hiện diện nhiều nơi trên dải đất miền Trung. Ở đó, có người cha già tóc bạc tiễn con tóc xanh bị lũ cuốn, người vợ nấc nghẹn u uất bên thi thể chồng bị điện giật lúc đang bế đàn heo chạy lũ hay những người may mắn sống sót sau trận lật ghe tức tưởi thắp nén hương tiễn biệt người đã nhường chiếc áo phao duy nhất cho mình.
Sau lũ, chúng tôi bì bõm lội khắp các vùng trũng ở tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng để ghi nhận việc khắc phục hậu quả của người dân. Thời điểm này đúng vào vụ mùa Đông Xuân. Ấy thế mà đồng ruộng trơ đất trắng, đôi ba nơi lác đác vài thửa ruộng mới lên mạ non. Một người dân xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lắc đầu nói với chúng tôi, giờ này những năm trước lúa non đã lên xanh rờn cả cánh đồng. Trước Tết người dân đua nhau ra đồng chăm bón, dặm lúa xong xuôi rồi thảnh thơi ăn Tết. “Thế đó, giờ chỉ còn hơn 20 ngày nữa là Tết cổ truyền rồi mà ruộng toàn đất bùn, mạ gieo đi gieo lại 3, 4 lần cũng chưa được”, người dân này chia sẻ.
Không chỉ vì lũ 2 lần cuốn trôi, nước đục ngâm dầm dề hoa màu khiến người dân khốn đốn. Theo ghi nhận của chúng tôi, sau lũ, “kẻ thù” của nông dân Quảng Nam là loài ốc bươu vàng. Những cánh đồng tại xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn), hay huyện Duy Xuyên, Đại Lộc la liệt loài ốc này. Ốc bươu vàng sinh sôi khủng khiếp, bất thường, gây hại cho mạ non vụ Đông Xuân.
Sau khi bắt ốc, người dân đào một hố nhỏ trên đường đổ ốc vào cho một số người nuôi vịt tới lấy về. |
Theo đó, trên đồng ruộng chủ yếu là ốc con, ốc mới sinh thành bằng các đầu ngón tay người trưởng thành trở lên. Chưa hết, ở các khu vực gần sông, ao hồ trứng ốc bươu vàng dính chặt trên nhành cây, lá bèo... Cụ Lê Thị Bưng (78 tuổi, trú xã Điện Phương) bày tỏ: “Chỉ sau một đêm gieo mạ là sáng ra ốc bươu ăn hết sạch. Mấy năm trở lại đây chưa năm nào tôi thấy loài ốc này nhiều như vậy. Có đám ruộng chỉ sau một đêm là ốc ăn sạch mạ non. Hai ba ngày nay tôi phải ra đồng liên tục để bắt ốc. Nhiều người bí quá phải mua thuốc về phun diệt bớt loài này”.
Trên nhiều cánh đồng, người dân tay cầm xô, chậu tay còn lại cầm bao cặm cụi “diệt” loài ốc này. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều người lom khom cả ngày quá mỏi lưng đành chế dụng cụ bắt ốc. Họ dùng một cây sào dài rồi buộc vào đầu cây một cái rổ. Cứ như thế, gặp con ốc nào xúc con đó cho vào bao. Ốc non nhỏ, bà con bắt lên rồi vứt la liệt khắp các trục đường bê tông, các con mương. Nhiều hộ dân nuôi vịt tranh thủ thu gom về làm mồi.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Võ Văn Minh (nguyên Trưởng khoa Sinh – Môi trường, ĐHSP Đà Nẵng) cho biết: “Ốc bươu vàng là loài sinh vật xâm hại rất khó xử lý đối với ruộng lúa ở nước ta hiện nay. Loài này có tốc độ sinh sản rất nhanh. Chúng đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ khoảng 200 - 300 trứng trong khoảng 3 giờ. Nếu điều kiện thích hợp, số lượng trứng có thể lên tới 500 - 600 trứng/ổ. Mỗi chu kỳ đẻ của chúng gồm 10 - 12 ổ, nên số lượng lên tới khoảng 1.000 – 1.200 trứng/ tháng. “Năm nay, thời tiết không lạnh là điều kiện thuận lợi cho ốc sinh sản. Trước đây mùa này người dân thường chăn vịt thả đồng nên hạn chế đáng kể ốc bươu vàng. Tuy nhiên, năm nay, sau lũ các đối tượng thiên địch đối với trứng ốc, ốc con ít cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng ốc nhiều hơn so với bình thường. Đây là loài sinh sản khỏe, năm nào điều kiện thuận lợi thì số lượng ốc nhiều và tàn phá nhiều”.
Cũng theo PGS.TS Minh, đây là loài xâm hại lúa rất khó tiêu diệt tận gốc. Tuy nhiên, người dân không nên sử dụng thuốc, trừ khi mật độ ốc quá cao. Biện pháp thủ công vẫn là chủ yếu như: Thường xuyên bắt ốc trưởng thành, thu trứng đẻ sẵn trên bờ ruộng, bờ mương, bẹ lá, thân cây, que cọc trên mặt nước; dùng dây, lá khoai lang, lá khoai môn, khoai sọ, đu đủ... bó thành nhiều mớ, thả xuống mặt nước dọc theo bờ để dẫn dụ ốc đến rồi thu bắt; cắm que cọc làm giá để ốc leo lên đẻ trứng sau đó thu trứng. Các biện pháp thủ công cần được tiến hành thường xuyên và nên bắt ốc vào sáng sớm hoặc chiều tối mát. Ngoài ra, các giải pháp sinh học như thả vịt con vào mương máng, ruộng lúa đã cứng để vịt ăn ốc con,...
Khó khăn chồng chất
Chưa hết, không chỉ khóc ròng vì nạn ốc bươu vàng sinh sôi khủng khiếp phá hoại mạ non, sau lũ, nông dân Quảng Nam còn đối diện với nhiều khó khăn chồng chất. Trên nhiều cánh đồng sát các nhánh sông nhỏ, kênh rạch ở địa bàn Duy Xuyên, Điện Bàn về đêm nước sông thường dâng lên bất thường nhấn chìm nhiều ruộng lúa. Nước tràn vào khiến mạ non chết, hoặc dạt về một đám.
Nếu giờ này hàng năm lúa đã lên màu xanh thì giờ nông dân mới bắt đầu cày cuốc lại mảnh đất trắng để gieo mạ. |
Mưa lũ dài ngày còn làm bèo tây, rác trôi về lấp phủ nhiều thửa ruộng ở gần các khu vực miệng cống, cuối dòng nước. Tại thôn Châu Khê (xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nhiều thửa ruộng bị bèo phủ kín. “Sáu sào rau cải, đậu phộng, không chỉ bị hư hại hết do mưa lũ mà lũ còn đưa bèo, rác về bao phủ kín mít. Gia đình tôi mấy ngày ni kéo ra dọn dẹp để lấy đất sản xuất lại mà chưa xong. Vụ Đông Xuân như giục sau lưng rồi mà chẳng đâu vào đâu cả”, anh Trần Văn Châu (trú địa phương) ngao ngán cho biết.
Không chỉ khó khăn, vất vả làm nơi cánh đồng, hoa màu, lúa má hư hại khiến người nông dân phải gieo trồng lại nhiều lần. Từ đây, một số giống cây, giống lúa, phân bón bị thổi giá lên cao khiến nông dân lao đao. “Kể sao mà hết được cái khó cái khổ của nông dân chúng tôi. Thức khuya dậy sớm ươm trồng rồi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời những mong được mùa cây trái. Vậy mà khốn khổ quá!”, một người dân chia sẻ.
Hơn 10 tỷ cho bà con vùng lũ Quảng Nam Theo thông tin chúng tôi có được từ Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 4/1, số tiền đăng ky ủng hộ bà con vùng lũ Quảng Nam đã trên 10 tỷ đồng. Số tiền trên đến từ nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức khắp cả nước hứa hẹn sẽ giúp người dân phần nào trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống khi cái Tết đang cận kề. |
NHÂM THÂN