Mặc dù chủ yếu mang tính biểu tượng, không ràng buộc như một nghị quyết của Hội đồng bảo an, nhưng nghị quyết này của Đại hội đồng được cho là cũng có những tác động nhất định.
Theo Dân trí, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/12 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Nghị quyết nhấn mạnh vị thế cuối cùng của Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán. Nghị quyết cũng tuyên bố quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem “không có hiệu lực”.
Liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, nghị quyết “hối thúc tất cả các quốc gia không lập đại sứ quán tại thánh địa Jerusalem”.
Trong số các thành viên bỏ phiếu chống có Guatemala, Honduras, quần đảo Marshall, Micronesia, Palau, Nauru, Togo, Mỹ và Israel. Trong số các thành viên bỏ phiếu trắng có Australia, Canada, Mexico, Argentina, Colombia, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Philippines, Rwanda, Uganda và Nam Sudan.
Khu Thành Cổ tại thành phố Jerusalem nhìn từ trên cao. Ảnh: AP |
Điều đó có nghĩa là nghị quyết này thực tế mang tính biểu tượng nhiều hơn mặc dù nó vẫn có thể tác động đến nền tảng ngoại giao của Mỹ và mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia khác cũng như có thể khiến một số nước cân nhắc lại quan điểm về vấn đề Palestine - Israel.
Ngoài ra, điều mà nhiều người quan tâm lúc này là liệu Mỹ có thực sự cắt viện trợ cho các nước thành viên Liên Hợp Quốc “trái ý” Washington hay không.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas hôm qua tuyên bố người dân Palestine sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa bình nào do Mỹ đề xuất liên quan đến căng thẳng Palestine-Israel.
Theo VnExpress, Jerusalem là thành phố cổ đại được xây dựng vào năm 2000 trước Công nguyên và đã trải qua nhiều cuộc xung đột trong hàng nghìn năm tồn tại. Tuy nhiên, lịch sử xung đột hiện đại của thành phố chỉ bắt đầu cách đây đúng 100 năm, khi tướng Edmund Allenby của quân đội Anh chiếm Jerusalem từ tay đế quốc Ottoman vào tháng 12/1917, mở ra một thế kỷ máu và lửa bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc và bài Do Thái.
Jerusalem được coi là thánh địa của ba tôn giáo lâu đời bậc nhất thế giới gồm đạo Do Thái, đạo Cơ Đốc và đạo Hồi. Với tên gọi Yerushalayim trong tiếng Hebrew hay al-Quds trong tiếng Arab, Jerusalem là một trong những thành phố cổ nhất trên thế giới, chứa đựng những công trình linh thiêng của các tôn giáo.
An ninh thủ đô đăng tải, suốt gần 70 năm qua, tranh chấp chủ quyền Jerusalem giữa Israel và Palestine luôn là một ngòi nổ nguy hiểm kích hoạt các cơn bùng phát khủng hoảng và xung đột tại Trung Đông. Tiến trình hòa bình Trung Đông được khởi động từ Hiệp ước Hòa bình Oslo lịch sử năm 1993 với mục tiêu mang lại hòa bình bền vững cho “điểm nóng” Trung Đông trong suốt hơn 15 năm qua cũng đã rất nhiều lần “trật bánh” bởi khác biệt quan điểm như “nước với lửa” của Israel và Palestine trong vấn đề chủ quyền đối với Jerusalem.
Vũ Đậu (T/h)