Từ năm 1945 đến năm 2016, Mỹ đã sử dụng sức mạnh quân sự, kinh tế và ý thức hệ của mình để tạo dựng các thể chế, liên minh và các đồng minh trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và tránh được cuộc chiến quyền lực giữa các nước lớn.
Điều này đã khuyến khích sự gia tăng tham vọng giành ảnh hưởng của các nước lớn, nổi bật nhất trong số đó là Trung Quốc, quốc gia mà hiện tại Mỹ coi là ‘đối thủ’. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn thực hiện chiến lược ngoại giao “cùng thắng” với Trung Quốc trên bàn cờ quốc tế, Mỹ cần thuyết phục Trung Quốc thông qua chính sách hợp tác thay vì tìm cách "khuất phục" cường quốc châu Á này.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một số chính sách gây nhiều tranh cãi đối với Trung Quốc. Thực hiện điều này, dường như ông Donald Trump đã tự làm mất đi cơ hội để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Bởi lẽ, Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đối với Triều Tiên, thái độ của Trung Quốc sẽ có ý nghĩa tiên quyết, tháo gỡ nút thắt cho vấn đề Triều Tiên. Do đó, một khi ông Trump thất bại trong chính sách đối với Trung Quốc, trong đó có vấn đề Triều Tiên thì quan hệ Mỹ - Trung đã chồng chất rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters. |
Những bất đồng trong quan hệ Mỹ - Trung như hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, đàm phán về vấn đề thuế quan xuất nhập khảu thép và nhôm, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc), những đe dọa siết chặt dòng vốn đầu tư và công nghệ, lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các thực thể của Trung Quốc… đe dọa sẽ trở thành những vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương nếu như không được kiểm soát tốt.
Eastasiaforum dẫn một một số phân tích cho biết, để giành được lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump cần tập trung vào các vấn đề sau: Thúc đẩy cân bằng kinh tế ở châu Á, tạo ổn định khu vực; có nhiều hơn nữa sự nhượng bộ trong quan hệ Mỹ - Trung và giải quyết vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Trọng tâm trong tầm nhìn địa kinh tế của ông Tập Cận Bình, đặc biệt sau Đại hội Đàng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 là mở rộng liên kết khu vực, đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển ở ngoại vi của Trung Quốc để biến Trung Quốc trở thành trung tâm của khu vực châu Á năng động, đang phát triển. Điều này có nghĩa là sự kết nối Bắc - Nam, cụ thể là các chuỗi cung ứng sẽ bắt nguồn từ Trung Quốc và mở rộng ra Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, Biển Andaman, Vịnh Bengal và xa hơn nữa.
Trong bối cảnh đó, nếu Mỹ không muốn châu Á trở thành sân sau của Trung Quốc, Mỹ cần tham gia nhiều hơn nữa vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực để thúc đẩy mối liên kết, không chỉ dừng lại ở liên kết Bắc - Nam mà còn cả Đông - Tây từ Ấn Độ đến Việt Nam qua Myanmar, Thái Lan, Cambodia, Nhật Bản và cả Thái Bình Dương rộng lớn.
Kể từ khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã rất tích cực tham gia hội nhập kinh tế thương mại quốc tế, thúc đẩy thặng dư thương mại toàn cầu và thặng dư thương mại song phương với Mỹ. Trung Quốc đã sớm tiếp nhận công nghệ, vốn và năng lực để nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường mở ở bên ngoài trong khi không cung cấp sự tiếp cận đối ứng ở thị trường trong nước cho Mỹ và các nước khác.
Từ năm 2008 trở đi, tốc độ tự do hóa thương mại đối ngoại, tài chính và kinh tế nội địa đã chậm lại. Các đối tác thương mại của Trung Quốc đã nhận ra rằng, trong quá trình Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược “ra bên ngoài” để nắm lấy cơ hội, nước này đã không mở cửa trong các lĩnh vực mà đối tác nước ngoài có lợi thế cạnh tranh hơn. Vì vậy, vấn đề “có đi có lại” và “công bằng” đã trở thành chủ đề trung tâm trong quan hệ Mỹ - Trung.
Ngoài ra, trong vấn đề Triều Tiên, đến thời điểm này ông Donald Trump có lẽ đã nhận ra rằng, chính sách của người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Barack Obama, trong việc thúc ép để Trung Quốc tạo áp lực lên Triều Tiên là đúng đắn. Chính quyền Mỹ hiểu rằng Trung Quốc hoàn toàn có các điều kiện và khả năng để tạo ra sức ép đủ lớn đối với Triều Tiên. Vì vậy, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều nhượng bộ cho Trung Quốc trong các lĩnh vực như thương mại, vấn đề Đài Loan để đổi lấy việc Trung Quốc gia tăng áp lực đối với Triều Tiên.
Quan hệ Mỹ - Trung hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết, song điều này là không dễ thực hiện khi mà cả Mỹ và Trung Quốc vẫn âm thầm cạnh tranh lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng ở các khu vực, điểm nóng trên thế giới.
Với quan điểm nước lớn, Mỹ luôn đặt mình ở vị thế “cửa trên” trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm qua, để cân bằng lợi ích và sức mạnh trên bình diện khu vực và quốc tế với Trung Quốc, Mỹ cần phải có những điều chỉnh trong chính sách của mình, thúc đẩy quan hệ song phương với Trung Quốc trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
KÔNG ANH