+Aa-
    Zalo

    Sau Covid-19, doanh nghiệp Nhật đổi “khẩu vị” tuyển dụng tại Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các doanh nghiệp Nhật đang có xu hướng tìm kiếm ứng viên có kinh nghiệm chuyên môn, thay vì tuyển các ứng viên giỏi tiếng Nhật trong vai trò phiên dịch hoặc thư ký.

    Các doanh nghiệp Nhật đang có xu hướng tìm kiếm ứng viên có kinh nghiệm chuyên môn, thay vì tuyển các ứng viên giỏi tiếng Nhật trong vai trò phiên dịch hoặc thư ký.

    Ưu tiên ứng viên giỏi tiếng Anh

    Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search trong quý III/2020 cho thấy, các doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam nhu cầu tuyển dụng giảm đáng kể do Covid-19. Một số biện pháp được áp dụng tại các doanh nghiệp này là cắt giảm lương, cắt tháng lương thứ 13, cắt giảm thưởng.

    Một điểm mới ghi nhận tại các doanh nghiệp Nhật là họ tăng nhu cầu tuyển dụng ứng viên người Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như các ứng viên chất lượng cao trong nước để tập trung vào khách hàng, các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc và các tập đoàn lớn tại Việt Nam.

    “Một trong những xu hướng khác trong giai đoạn này là các doanh nghiệp Nhật tăng cường tuyển dụng các ứng viên giỏi tiếng Anh và dần dần không còn tuyển nhiều vị trí hỗ trợ yêu cầu tiếng Nhật như trước kia. Điều này cho thấy các công ty Nhật tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm chuyên môn thay vì chỉ tuyển các ứng viên giỏi tiếng Nhật trong vai trò phiên dịch hoặc trợ lý”, báo cáo chỉ rõ.

    Dây chuyền sản xuất thiết bị ly hợp điện tử cho máy in và các thiết bị chính xác khác của nhà máy NMS, Nhật Bản tại Hà Nam.

    Chia sẻ với PV, anh Phạm Văn Đạt - Quản lý tại một nhà hàng Nhật Bản trên phố Kim Mã (Hà Nội) - cho biết: Đối với bộ phận cấp cao tại nhà hàng thường yêu cầu quản lý ngoài biết tiếng Nhật, phải sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp. Những người chỉ biết tiếng Nhật sẽ không được ưu tiên khi tuyển dụng.

    “Mặt bằng chung của công việc liên quan đến tiếng Nhật thấp hơn tiếng Anh rất nhiều vì đặc thù các công ty Nhật Bản vẫn nặng về hình thức thâm niên, lương khởi điểm rất thấp. Chưa kể, trong nhà hàng, vẫn cần đến phiên dịch cứng nhưng số lượng không nhiều, chỉ từ 1 - 2 người, hơn nữa, việc cạnh tranh đối với lượng du học sinh về nước sẽ lớn khiến cung về phiên dịch vượt trội so với cầu. Vì vậy, đối với những người chỉ thông thạo một ngôn ngữ tiếng Nhật làm việc trong công ty Nhật hiện nay sẽ không còn được ưu tiên, bởi nhóm khách hàng phục vụ sẽ là khách người Hoa, hoặc Hàn Quốc”, anh Đạt cho hay.

    Tuy nhiên, anh Đạt cũng cho biết, những vị trí quản lý chủ chốt vẫn là người Nhật và bàn bạc về vấn đề quan trọng vẫn bằng tiếng Nhật. Nếu xác định làm công ty Nhật lâu dài thì biết tiếng Nhật không phải là điều kiện bắt buộc nhưng là lợi thế.

    Nhu cầu tuyển dụng cao ở ngành bán lẻ

    Tại thị trường phía Nam, ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ đang chứng kiến nhu cầu tuyển dụng cao lên đến 50% so với thời điểm trước tháng 7/2020. Lý do chính dẫn đến sự tăng đột biến là các khách hàng trong ngành này chuyển hướng mạnh sang kinh doanh trực tuyến, dẫn đến nhu cầu tìm kiếm các ứng viên trong mảng thương mại điện tử, tiếp thị số, bán hàng online. Các ứng viên trong mảng này có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.

    Tuy nhiên, một trong những trở ngại cho các ứng viên người Việt là họ chưa có chuyên môn sâu về thương mại điện tử và digital (số hóa) dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước và các công ty nước ngoài phải mời những ứng viên là Việt kiều hoặc người nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Điều này cũng làm tăng tính cạnh tranh chất xám trong ngành công nghệ tại thị trường việc làm.

    Nhu cầu tuyển dụng của ngành dệt may dự báo sẽ tăng trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tiếp theo.

    Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Navigos Search, việc dịch chuyển dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu tuyển dụng của ngành dệt may trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tiếp theo. Những chính sách mới về Hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại đa phương (EVFTA) đã dẫn đến làn sóng dịch chuyển dây chuyền hoặc nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

    Hiện tại, đã có những công ty, nhà máy dệt đăng ký kinh doanh hoặc xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành này còn xuất hiện các nhà đầu tư mở rộng quy mô hoặc mới bước vào thị trường tại Việt Nam, chủ yếu là khối doanh nghiệp sử dụng tiếng Trung, tiếng Nhật và một số nhà đầu tư của châu Âu như Đức.

    Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng mở rộng quy mô hoạt động, xây mới nhà máy, hoặc chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam, chuyển đơn hàng từ nước ngoài về Việt Nam sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng lớn về nhân sự.

    Đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin và bảo hiểm có nhu cầu mạnh về tuyển dụng số lượng lớn phục vụ cho các dự án cũng như tạo nguồn nhân sự cho tổ chức. Một số công ty công nghệ đa quốc gia mới vào thị trường Việt Nam cũng đặc biệt tập trung vào tuyển dụng số lượng lớn nhân sự ngành IT để đáp ứng nhu cầu phát triển chi nhánh tại Việt Nam. Do số lượng nhân sự công nghệ chất lượng tại thị trường còn ít nên các doanh nghiệp này có định hướng tìm kiếm và đào tạo nguồn ứng viên từ cấp trung học phổ thông.

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (173)
    Thu Huyền
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-covid-19-doanh-nghiep-nhat-doi-khau-vi-tuyen-dung-tai-viet-nam-a344351.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan