+Aa-
    Zalo

    Sau bão tố, quan hệ Nga - Mỹ sẽ phát triển theo hướng nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nga - Mỹ chưa bao giờ đối đầu quân sự trực diện mà còn từng liên minh chặt chẽ với nhau vì lợi ích chung.

    Nga - Mỹ chưa bao giờ đối đầu quân sự trực diện mà còn từng liên minh chặt chẽ với nhau vì lợi ích chung.

    Sau khi Mỹ bắn tên lửa vào căn cứ không quân Shayrat của Syria ngày 7/4/2017, quan hệ Nga-Mỹ trở nên hết sức căng thẳng.

    Ngay lập tức, Nga tuyên bố ngừng thỏa thuận tránh va chạm trên không tại Syria và đình chỉ hợp tác trao đổi thông tin tình báo trong cuộc chiến chống khủng bố. Trước đó, ngày 29/12/2016 trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga cùng với gia đình của họ với lý do họ can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11/2016 tại Mỹ.

    Cả 2 bên Nga và Mỹ đã tăng cường sự có mặt quân sự chưa từng có của mình ở khu vực xung quanh Syria. Có thể nói mối quan hệ này đã xuống tới mức thấp nhất kể từ 50 năm trở lại đây.

    Thủ tướng Nga Medvedev tuyên bố mối quan hệ Moscow-Washington "hoàn toàn bị hủy hoại" và cảnh báo "hai nước chỉ còn cách chiến tranh một bước chân". Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh trực diện giữa Mỹ và Nga là khó tránh khỏi.

    Sau bão tố, quan hệ Nga - Mỹ sẽ phát triển theo hướng nào? - Ảnh 1.


    Trong tình hình căng thẳng như vậy, cả Nga và Mỹ vẫn duy trì đường dây nóng và các cố gắng ngoại giao nhằm tháo gỡ ngòi nổ.

    Chỉ 5 ngày sau khi Mỹ bắn tên lửa vào Syria, ngày 12/4/2017 ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến Moscow gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Vladimir Putin bàn quan hệ tay đôi và các vấn đề nổi cộm khác, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria, Triều Tiên, Ukraine và cuộc chiến chống khủng bố.

    Cũng chỉ sau chưa đầy 1 tháng, ngày 9/5/2017 ngoại trưởng Nga đã bay sang Washington hội đàm với người đồng cấp Mỹ và gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục trao đổi ý kiến về các vấn đề đã được nêu ra tại Moscow tháng trước.

    Sau bão tố, quan hệ Nga - Mỹ sẽ phát triển theo hướng nào? - Ảnh 2.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

    Đặc biệt, về Syria hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm làm giảm leo thang bạo lực, tăng cường cứu trợ nhân đạo cho người dân Syria và thỏa thuận giải quyết hoà bình cuộc xung đột.

    Về Ukraine hai bên thỏa thuận cần thiết phải chấm dứt bạo lực tại miền Đông Ukraine và giải quyết cuộc xung đột thông qua việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk ký ngày 5/9/2014 giữa đại diện của Ukraine, Liên bang Nga và tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu ESCO.

    Cũng chưa đầy một tháng sau khi Mỹ bắn tên lửa vào Syria, ngày 2/5/2017 hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã lần đầu tiên đàm thoại với nhau qua điện thoại về Syria và các điểm nóng khác trên thế giới. Nhà Trắng đánh giá cuộc đàm thoại này là "rất tốt", còn Kremlin thì cho rằng cuộc nói chuyện đã diễn ra trong "bầu không khí làm việc tích cực".

    Trong khi đó, nhóm làm việc chung Nga-Mỹ và thỏa thuận tránh va chạm trên không tại Syria đã được nối lại.

    Đáng lưu ý, đến nay cả Lavrov và Tillerson vẫn chưa tiết lộ bất cứ điều gì về cuộc gặp gỡ với ông Putin tại Moscow ngày 12/4 và ông Trump tại Washington ngày 10/5.

    Trong các cuộc họp báo, hai ông chỉ nói đến những vấn đề chung, về mong muốn cải thiện quan hệ hai nước. Điều này có nghĩa là chỉ Putin và Trump mới có thể nói rõ về các nội dung bàn thảo trong cuộc gặp sắp tới bên lề tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hamburg, Đức ngày 7/7.

    Sau bão tố, quan hệ Nga - Mỹ sẽ phát triển theo hướng nào? - Ảnh 3.


    Nhìn lại lịch sử quan hệ Xô - Mỹ trước đây và ngày nay, chưa bao giờ xảy ra đối đầu quân sự trực diện giữa hai phía mà còn có những thời gian liên minh chặt chẽ với nhau vì lợi ích chung.

    Năm 1922 Liên Xô thành lập, nhưng mãi tới năm 1933 Mỹ mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô với mục đích phối hợp hành động ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Nhật ở Viễn Đông.

    Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ và Liên Xô đã liên minh với nhau chống phát xít Hitler. Năm 1941, ngay sau khi Đức tấn công Liên Xô, Mỹ đã tuyên bố đứng về phía Liên Xô, giúp đỡ Liên Xô lương thực, thực phẩm, thậm chí cả vũ khí, đạn dược thông qua chương trình Lend-lease.

    Năm 1942, tại Washington hai nước đã ký Hiệp định tương trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống phát xít. Tháng 5/1944, tại Hội nghị Teheran Liên Xô, Mỹ, Anh đã thỏa thuận mở mặt trận thứ hai, theo đó Mỹ và Anh sẽ tham gia chiến tranh chống Đức ở Tây Âu.

    Sau bão tố, quan hệ Nga - Mỹ sẽ phát triển theo hướng nào? - Ảnh 4.

    Lãnh đạo Anh, Mỹ, Nga tại hội nghị Yalta. (Ngồi từ trái sang: Winston Churchill, Franklin D. Roosevelt và Joseph Stalin)

    Ngày 6/6/1944, mặt trận thứ hai được mở, quân Anh đổ bộ xuống Normandi miền Bắc nước Pháp và 15/8/1944 Mỹ đưa quân vào miền Nam nước này.

    Quan hệ Xô-Mỹ đạt đỉnh cao tại Hội nghị Yalta (4-11/2/1945) và Hội nghị Postdam (17/7-2/8/1945) khi hai bên đặt ra những cơ sở cho trật tự thế giới sau chiến tranh. Liên Xô tan rã, Liên bang Nga vẫn kế thừa các mối quan hệ này.

    Tháng 5/2002, Tổng thống hai nước đã ký Tuyên bố Moscow về những nguyên tắc trong quan hệ chiến lược mới giữa Nga và Mỹ, xác định những phương hướng cơ bản về hợp tác tay đôi, hành động vì lợi ích an ninh quốc tế, ổn định chiến lược, chống khủng bố quốc tế, giải quyết các cuộc xung đột khu vực và hợp tác kinh tế, thương mại.

    Có thể nói trong suốt quá trình lịch sử, quan hệ giữa Nga và Mỹ, hai cường quốc lớn nhất thế giới luôn luôn là nhân tố quan trọng bảo đảm cho hoà bình và ổn định quốc tế. Ngày nay, hoà bình và ổn định vẫn là lợi ích chung của hai nước.


    Giải quyết các cuộc xung đột khu vực bằng biện pháp hoà bình, tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với an ninh toàn cầu là những ưu tiên chung của cả Nga và Mỹ.

    Chúng ta có thể hy vọng sau bão tố, căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ dần dần lắng dịu. Tất nhiên, để giải quyết những vấn đề gai góc hiện nay cần có cố gắng và thiện chí của cả hai bên.

    Trong tình hình thế giới vô cùng phức tạp hiện nay, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin chưa thể tạo ra đột phá, nhưng sẽ là một bước quan trọng tiến tới hoà dịu và cải thiện quan hệ chiến lược giữa hai cường quốc.

    * Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-bao-to-quan-he-nga---my-se-phat-trien-theo-huong-nao-a190679.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan