Trong cuộc thăm dò mới nhất của YouGov được công bố vào tuần trước, 53% cho rằng Vương quốc Anh đã sai quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Cuộc thăm dò của Ipsos vào tháng 1/2023 chỉ ra rằng 45% dân số cho rằng Brexit đã khiến cuộc sống hàng ngày của họ trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, chỉ khoảng 11% cho rằng Brexit đã cải thiện cuộc sống của họ.
Một cuộc thăm dò do Focaldata và UnHerd thực hiện vào cuối năm 2022 cho thấy trong số khoảng 10.000 người được hỏi trên toàn quốc, 54% đồng ý với quan điểm rằng: "Anh đã sai khi rời khỏi EU".
Trong khi đó, những người không đồng ý với quan điểm trên khoảng 28%.
Nền kinh tế Vương quốc Anh được dự đoán sẽ là nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả nhất trong G20 vào 2 năm tới, khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và bất ổn chính trị đã khiến chính phủ Đảng Bảo thủ Anh phải đau đầu.
Đảng cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak hiện đang kém Đảng Lao động đối lập hơn 20 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử lại vào năm 2024.
Anand Menon, giám đốc sáng kiến Thay đổi châu Âu và là giáo sư về chính trị châu Âu và các vấn đề đối ngoại tại King's College London, nói với CNBC rằng đã có 2 sự thay đổi chính trong thái độ của công chúng đối với Brexit.
Ông giải thích: "Đầu tiên, ngày càng có nhiều người cho rằng chính phủ đã xử lý Brexit không tốt – nghĩa là họ coi đây là một thất bại của chính phủ. Thứ hai, các cử tri khác đang xem xét tác động tiêu cực c ủa Brexit tới nền kinh tế Anh".
Điều này được chứng minh trong cuộc thăm dò mới nhất của YouGov. Trong đó, 68% những người được hỏi cho rằng chính phủ đã xử lý Brexit không tốt và chỉ 21% cho rằng Đảng Bảo thủ đang xử lý tốt vấn đề này.
Hồi đầu tuần qua, Thủ tướng Sunak đã công bố một thỏa thuận mới với EU nhằm tìm cách giải quyết Nghị định thư Bắc Ireland, một phần gây tranh cãi của thỏa thuận Brexit nhằm thực thi việc kiểm tra hàng hóa vận chuyển từ Vương quốc Anh đến Bắc Ireland qua Biển Ireland.
Hiện chưa rõ liệu diễn biến này có xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho Đảng Bảo thủ hay không, nhưng YouGov lưu ý rằng những người hiện đang hối tiếc về Brexit đang tăng lên khoảng 7%.
"Trước cuộc tổng tuyển cử năm 2019, con số này là khoảng 4%. Những thay đổi này có vẻ không lớn, nhưng do quan điểm trì trệ về tư cách thành viên EU kể từ cuộc trưng cầu dân ý, sự thay đổi ưu tiên này có thể có tác động nhất định", YouGov cho biết.
"Những người đã bỏ phiếu cho Brexit nhưng hiện không chắc liệu đó có phải là quyết định đúng đắn hay không hiện chiếm thêm 4% cử tri, khiến tổng số những người cho rằng Brexit không phải quyết định đúng đắn, tăng lên khoảng 11%", YouGov tiếp tục.
Ông Menon lưu ý rằng Brexit đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế vào đầu năm 2020 ngay sau khi Vương quốc Anh rời EU, nhưng tác động đã bị che mờ bởi sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Các ngành công nghiệp từ trồng trọt và đánh bắt cá đến sản xuất ô tô và dược phẩm đã phải đối mặt với những khó khăn do hậu quả trực tiếp của Brexit trong vài năm qua.
Ông nói: "Chắc chắn rằng Brexit là một phần lý do dẫn đến những số liệu kinh tế khá tồi tệ mà chúng ta thấy ở Vương quốc Anh, đặc biệt tồi tệ trong bối cảnh so sánh với các nền kinh tế G7".
Minh Hạnh (Theo CNBC)