Trong năm 2022, nước Anh đã trải qua một loạt bất ổn chính trị, họ thay tới 3 đời thủ tướng, mất đi vị quân chủ lâu đời và hiện đang ở giữa một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak đã dành tuần đầu tiên sau khi nhậm chức để cố gắng ổn định tình hình. Người tiền nhiệm của ông, bà Liz Truss, đã phải từ chức chỉ sau 6 tuần sau khi gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng khó do sự thiếu thận trọng đối với vấn đề ngân sách. Trong khi đó, cựu Tổng thống Boris Johnson cũng buộc phải từ chức vào tháng 7/2022 vì vướng vào một loạt vụ bê bối tai tiếng.
Ông Sunak đang kỳ vọng vào một chính sách quản trị bình tĩnh và chính sách kinh tế lành mạnh có thể giúp ông thu hẹp khoảng cách bỏ phiếu lớn giữa Đảng Bảo thủ của ông và Đảng Lao động đối lập trước khi cuộc bầu cử mới được tổ chức vào năm 2025.
Dù vậy, với tất cả sự hỗn loạn xảy ra trong năm 2022, một khía cạnh quan trọng nhất của thực tế chính trị mới ở Anh lại gần như chưa được đưa ra thảo luận.
Quá trình "Brexit toàn phần" đã bắt đầu từ tháng 1/2021 khi Vương quốc Anh chuyển đổi từ một quốc gia về cơ bản là thành viên của EU thành một thực thể riêng biệt bị ràng buộc với khối bởi một thỏa thuận thương mại mỏng manh. Hậu quả của cuộc "chia tay" này đã tác động nặng nề lên nền kinh tế nước Anh.
Sam Lowe, một đối tác tại cơ quan tư vấn Flint Global, nhận xét: "Thực tế là chúng tôi đã tăng các rào cản từ phía nguồn cung đối với các doanh nghiệp Anh muốn hoạt động tại thị trường châu Âu. Vì vậy, đối với những doanh nghiệp tiếp tục giao dịch với EU, những chi phí đó đã tăng lên. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhỏ hơn đã ngừng làm việc với EU vì nó quá phức tạp và tốn kém".
Hồi đầu năm 2022, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) xác nhận cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ EU đã giảm từ khi thực hiện đầy đủ thỏa thuận Brexit, được gọi chính thức là Thỏa thuận Hợp tác và Thương mại (TCA). OBR kết luận "có rất ít dữ liệu" kể từ khi thỏa thuận Brexit được thực hiện cho thấy rằng giả định giảm 15% thương mại là sai.
Dù điều này nghe có vẻ trừu tượng nhưng tác động thực tế là rau củ bị thối rữa và còn cá thì phải "thả về biển" khi các nhà xuất khẩu của Anh bỏ lỡ "cánh cửa hẹp" để đưa hàng hóa của họ vào thị trường EU. Từ góc độ nhập khẩu, Brexit đã khiến một số loại thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Hậu quả của Brexit không chỉ là kinh tế. Vương quốc Anh và EU vẫn đang đối mặt với Nghị định thư Bắc Ireland - một thành phần trung tâm của thỏa thuận Brexit đã được thống nhất vào năm 2019.
Vì nhiều lý do, Vương quốc Anh đã không thực hiện đầy đủ giao thức, điều này đã dẫn đến sự đổ vỡ trong thỏa thuận chia sẻ quyền lực, khiến khu vực Bắc Ireland không có chính phủ được ủy quyền hoạt động kể từ tháng 2/2022. Những căng thẳng này đã khiến công quốc rơi vào tình thế bấp bênh và gây nguy hiểm tiềm ẩn.
Trong những trường hợp bình thường, chính phủ và phe đối lập sẽ gấp rút khắc phục điều gì đó gây ra thiệt hại kinh tế và xã hội. Dù vậy, 6 năm năm kể từ khi người Anh bỏ phiếu rời EU, Brexit vẫn chưa phải là điều bình thường.
Raoul Ruparel, cựu cố vấn đặc biệt của chính phủ Anh và chuyên gia hàng đầu về Brexit, nhận xét: "Cả hai đảng chính vẫn cảm thấy phù hợp với họ khi không nói chi tiết về Brexit".
Theo ông Ruparel, đảng Bảo thủ không thấy bất kỳ lợi ích nào khi tham gia vào các cuộc tranh luận nêu bật những điểm không hiệu quả trong một thỏa thuận mà họ đã đàm phán và bỏ phiếu. Ông tiếp tục: "Đối với đảng Lao động, họ khó có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nếu cử tri cho rằng họ âm thầm muốn gia nhập lại EU. Bất kỳ chính sách nào có vẻ mềm mỏng với vấn đề Brexit sẽ khiến họ dễ bị tấn công".
Lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer đã đưa ra một kế hoạch năm điểm để khiến Brexit hoạt động. Tuy nhiên, kế hoạch đó nhấn mạnh Lao động không có ý định tái gia nhập EU cũng như bất kỳ tổ chức vệ tinh nào khác.
Một khía cạnh quan trọng trong chiến thắng vang dội năm 2019 của ông Boris Johnson là các cử tri của đảng Lao động truyền thống đã ủng hộ Brexit, ủng hộ đảng Bảo thủ ở các thành trì của đảng Lao động trước đây. Theo đó, ông Starmer rất cần những lá phiếu này nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Đây là tình thế khó khăn mà giới lãnh đạo chính trị Anh phải đối mặt khi họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tiếp theo. Các khía cạnh của Brexit có thể được cải thiện, có thể đạt được các thỏa hiệp với Brussels. Nhưng không ai muốn châm ngòi cho vấn đề chính trị bùng nổ này. Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng hậu quả của việc không hành động đã tạo ra một quốc gia không có định hướng hoặc mục đích lâu dài.
Ông Ruparel nói: "Chúng ta vẫn đang thiếu một chiến lược về nơi chúng ta muốn hướng tới sau Brexit với tư cách là một quốc gia. Chúng ta muốn tìm kiếm sự tăng trưởng đến từ đâu? Chúng ta sẽ vẫn gắn bó chặt chẽ với các thị trường châu Âu hay có ý xoay trục ra thế giới rộng lớn hơn? Lợi thế của chúng ta là gì? Chúng ta không thể cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc về năng lực sản xuất quy mô lớn, vậy chúng ta có định vị mình là trung tâm nghiên cứu và đổi mới cao cấp không? Tất cả điều này đến giờ vẫn chưa được xác định".
Ngay cả khi giai cấp chính trị của Anh đột ngột thay đổi quan điểm, một số chuyên gia nghi ngờ rằng Anh không thể làm bất cứ điều gì quan trọng để giảm thiểu tác động lâu dài của Brexit.
Vicky Pryce, cựu giám đốc chung của Cơ quan Kinh tế Chính phủ Vương quốc Anh, lưu ý: "Vương quốc Anh đang chần chừ trong việc thực hiện thỏa thuận Brexit đầy đủ vì chúng tôi biết rằng những khó khăn về hậu cần do thủ tục mới về giấy tờ và kiểm tra gây ra khiến cuộc sống của người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh trở nên khó khăn hơn".
Để giải quyết tình hình kinh tế hậu Brexit, bà Truss đã cố gắng thực hiện các cải cách về phía nguồn cung thông qua việc giảm thuế cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, ông Sunak đang cố gắng loại bỏ các quy định đối với ngân hàng và lĩnh vực dịch vụ của Vương quốc Anh. Còn kế hoạch lớn của ông Johnson là đầu tư lớn vào các khu vực của Vương quốc Anh đã bị bỏ lại phía sau, tạo ra hoạt động kinh tế mới.
Trái ngược với lời hứa trong cuộc bầu cử năm 2019 của ông Boris Johnson là "Hoàn thành Brexit", việc Vương quốc Anh rời EU đến nay tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị của đất nước.
Brexit là một ngọn lửa âm ỉ. Mặt trái của Brexit đang tác động đến nhiều người hơn với mức độ thường xuyên hơn khi thời gian trôi qua.
Câu hỏi mà ông Sunak và ông Starmer phải tự đặt ra với tư cách lãnh đạo 2 đảng là liệu việc "bỏ qua" Brexit cho đến sau cuộc bầu cử tiếp theo có đáng để mạo hiểm hay không. Bởi vì có khả năng là trong 2 năm từ bây giờ đến cuộc bầu cử, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
Nếu điều đó xảy ra, công chúng có thể sẽ tự hỏi các chính trị gia hàng đầu của đất nước đang làm gì để vùi đầu vào vấn đề được cho là quan trọng nhất mà đất nước họ phải đối mặt ngày nay.
Minh Hạnh (Theo CNN)