Giữa thời điểm "ồn ào" về giá nước sông Đuống "cõng" lãi vay ngân hàng, Công ty CP Nước mặt Sông Đuống có sự thay đổi về vị trí cấp cao. Theo đó, bà Đỗ Thị Kim Liên rời ghế Tổng giám đốc, nhường vị trí cho ông Tạ Đức Hoàng.
Nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên. |
Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tháng 11/2019, Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đã có nhiều xáo trộn về nhân sự và cổ đông.
Cụ thể, trong lần đăng ký thay đổi lần thứ tư, người đại diện pháp luật của công ty CP nước mặt Sông Đuống là ông Tạ Đức Hoàng với chức danh Tổng giám đốc. Như vậy, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã chính thức rời ghế Tổng giám đốc Công ty CP Nước mặt Sông Đuống.
Ông Tạ Đức Hoàng (SN 1980), có hộ khẩu thường trú tại 5B7, Tập thể Quân đội, Học viện Quốc phòng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông Tạ Đức Hoàng là thành viên HĐQT của Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, và cũng từng là Tổng giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống).
Mặc dù rời vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Nước mặt Sông Đuống nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của công ty. Đồng thời, bà Liên thay thế ông Tạ Đức Hoàng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc tại Công ty cổ phần nước Aqua One.
Còn tại Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, ngoài việc thay đổi về vị trí Tổng Giám đốc, trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này còn xuất hiện nhiều cổ đông ngoại (quốc tịch Thái Lan) bao gồm: Ông Natthapatt Tanboon-Ek, SN 1970, quốc tịch Thái Lan, thành viên Ban Kiểm soát; Bà Jareeporn Jarukornsakul, SN 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Vivat Jiratikarnsakil, SN 1956, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Wisate Chungwatana, SN 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị.
Ngoài ra, còn có hai nhân sự người Việt khác là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát; và bà Lương Thị Mai Hương - Kế toán trưởng.
Thời điểm Shark Liên rời ghế Tổng Giám đốc Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, doanh nghiệp này đang vướng vào lùm xùm về giá nước, khi được UBND Tp. Hà Nội chấp thuận giá nước tạm tính lên tới 10.246 đồng/m3 nước, gấp đôi so với các nhà cung cấp khác, thậm chí đắt hơn cả giá nước bán lẻ bậc 1 trên thị trường hiện nay.
Đặc biệt, thông tin từ Sở tài chính Hà Nội về việc mỗi m3 nước sông Đuống "cõng" 2.003 đồng lãi vay khiến người dân không khỏi bất bình.
Cũng theo đăng ký mới nhất, Công ty CP Nước mặt Sông Đuống chỉ tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh duy nhất là khai thác, xử lý và cung cấp nước. Vốn điều lệ trên 999,6 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư ngoại góp gần 340 tỷ đồng, tương đương 34% vốn điều lệ, nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 15% và vốn tư nhân chiếm 51%.
Là nhà máy nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc, Nhà máy nước mặt Sông Đuống của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính thức khởi công từ ngày 9/3/2017, chủ đầu tư đã quyết tâm rút ngắn thời gian từ 3 năm xuống còn 19 tháng.
Khi đi vào vận hành, nhà máy đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực Đông Bắc và phía Nam TP.Hà Nội và một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên) với tiêu chuẩn nước uống tại vòi.
Bạch Hiền