Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Kiến Thức |
Theo báo Kiến Thức, ngày 5/9, Tập đoàn AquaOne khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống. Được biết, đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc.
Theo kế hoạch, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư 2869/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được xây dựng với quy mô vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Theo công suất dự kiến này, nhà máy sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
Trên thực tế, khi đưa vào vận hành phân kỳ 1, nhà máy của Shark Liên đã cung cấp nước sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu ngươi dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Dự án Nhà máy nước sạch sông Đuống là dự án sẽ cung cấp nước sạch với quy mô lớn nhất miền Bắc. |
Trước đó, thông tin trên TTXVN, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Võ Tuấn Anh thông tin về tình hình cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn thành phố từ nguồn nước của nhà máy nước mặt sông Đuống.
Ông Võ Tuấn Anh cho biết, Nhà máy nước mặt sông Đuống đang thực hiện trong giai đoạn 1, đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm; giai đoạn 2 đến năm 2025 sẽ đạt công suất 600.000 m3 ngày/đêm; giai đoạn 3 đến năm 2030 sẽ đạt công suất 900.000 m3 ngày/đêm.
Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, nhưng đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, hiện nhà máy này đã đạt công suất 300.000 m3 ngày/đêm, vượt tiến độ 1 năm.
Đặc biệt, theo ông Tuấn Anh, với tốc độ phát triển của TP.Hà Nội ngày càng nhanh, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thủ đổ phải cần đến 2 triệu m3/ngày đêm. Do vậy, việc đầu tư bổ sung thêm dự án nước sạch là hoàn toàn cần thiết.
Trước những câu hỏi vì sao giá nước của Nhà máy nước sạch sông Đuống lại có giá cao hơn các nguồn nước từ nhà máy khác, ông Tuấn Anh cho hay, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống là do nhà đầu tư tư nhân thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách.
Nhà máy nước mặt sông Đuống có công nghệ tiên tiến, chất lượng nước có thể uống được nước tại vòi. Các cơ quan liên quan của thành phố thường xuyên kiểm tra để đảm bảo nước sạch theo tiêu chuẩn của bộ Y tế.
Ông Võ Tuấn Anh, Phó chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội trước báo chí. Ảnh: TTXVN |
Liên quan đến vấn đề giá nước của công ty cổ phần nước sạch sông Đuống, Giám đốc sở Tài Chính Nguyễn Việt Hà cho biết năm 2017, thành phố Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng. Đây là giá tối đa tạm tính. Lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm, không vượt quá khung giá nước sinh hoạt của bộ Tài chính.
Về việc nhà máy nước sạch sông Đuống chưa quyết tóan mà vẫn cấp nước, ông Nguyễn Việt Hà cho hay, đã tổ chức hiệp thương thông qua mức giá bán buôn tạm tính 7.700 đồng/m3. Thời gian tới sau quyết toán, sẽ có kiểm toán để xác định chi phí chính thức, từ đó mới xác định giá bán chính thức của nhà máy nước mặt sông Đuống.
Nhà máy nước mặt sông Đuống đang thực hiện trong giai đoạn 1, đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Ảnh: Zing |
Theo ông Hà, giá nước của cac nhà máy nước trên địa bàn TP. Hà Nội chênh nhau lớn là vì công nghệ của các nhà máy khác nhau dẫn tới đầu tư khác nhau, chất lượng nước tho đưa vào sản xuất nước sạch của mỗi nhà máy khác nhau nên chi phí sản xuất cũng khác nhau.
Chất lượng nước thô khác nhau, hao phí khác nhau, chi phí vật tư hóa chất xử lý nước sạch cũng khác nhau nên giá bán nước Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ cao hơn các nhà máy nước khác.
Sở Tài chính sẽ có trách nhiệm thẩm định giá, tính đúng, tính đủ để đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
"Đến thời điểm hiện tại, thành phố không trợ giá bất kỳ đồng nào cho các đơn vị cung cấp nước, trong đó có nhà máy nước mặt sông Đuống. Mức giá 10.246 đồng là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư, giá này không phải giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ", ông Hà cho biết.
Thủy Tiên(T/h)