(ĐSPL) - “Nhiều năm nay, tôi cũng như các hộ gia đình sống trong khu tập thể đường sắt không hề được lực lượng chức năng cảnh báo về tình trạng xuống cấp của ngôi nhà số 107 cũng như những ngôi nhà cổ khác tại đây. Sự cố diễn ra ngày hôm qua khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ và lo sợ.” – Bà Minh T. cho hay.
Như tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, vào lúc 12h35 phút ngày 22/9, cán bộ công nhân viên Ban Quản lý dự án (QLDA) Khu vực 1 (đơn vị đường sắt đang trực tiếp quản lý và sử dụng tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo) phát hiện tường của tòa nhà bị nứt và đã báo cáo lãnh đạo kịp thời để tổ chức sơ tán toàn bộ cán bộ công nhân viên ra khỏi tòa nhà.
[mecloud]SZ7qXewexp[/mecloud]
Đến thời điểm 12h40 phút, toàn bộ tầng 2 tòa nhà bị sập đổ. Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 1 đã lập tức liên lạc với các đơn vị liên quan (cứu thương, cứu hỏa, công an, điện lực) để tổ chức cứu hộ.
Cô Minh T. bàng hoàng kể lại sự việc. |
Sau đó, lực lượng cứu hộ đã tổ chức cứu hộ hơn 10 người dân sống ở khu vực xung quanh ra khỏi khu vực tòa nhà bị đổ và kịp thời tổ chức đưa người bị thương đi cấp cứu. Hậu quả của vụ sập nhà đã khiến 2 người chết và 6 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng.
Sáng 23/9, ghi nhận của PV báo Đời sống & Pháp luật, tại hiện trường vụ sập tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), lực lượng chức năng vẫn phong tỏa toàn bộ khu vực xảy ra sự cố không cho ai ra vào. Người dân sống trong khu vực chỉ được vào lấy quần áo, những dụng cụ cá nhân dưới sự giám sát của lực lượng chức năng.
Chị Lê Thị B. – người dân sống tại khu tập thể đường sắt 107, nơi xảy ra sự cố cho hay: “Nhà tôi sống trong khu tập thể đường sắt, chỉ cách tòa nhà bị đổ 3 ngôi nhà. Thời điểm xảy ra tai nạn, may mắn không có ai ở trong nhà. Khi ấy tôi đang đi đổ rác, đúng lúc về thì phát hiện ngôi tòa nhà 107 từ từ đổ tầng 2”.
Chị B. (áo đỏ) nhớ lại sự việc. |
Không nói nên lời, chị B. chỉ biết ú ớ tri hô hàng xóm chạy thoát nạn.
“Chỉ khổ cho chị H. (nạn nhân tử vong sau sự cố), thời điểm ngôi nhà đổ sập, chị H. đang ngồi bán rau ở chân cầu thang của hội trường. Chị không chạy kịp nên đã bị khối bê tông đè phải.” - Chị B. cho biết.
Cũng theo chị B., may mắn thời điểm xảy ra sự cố, chợ đã tan nên có ít người bán hàng tại khu vực tòa nhà bị đổ, nếu không hậu quả có thể đã nặng nề hơn rất nhiều.
Bà Lê Thị Minh T. – người sống ngay cạnh tòa nhà đổ sập chưa hết bàng hoàng: “Ngôi nhà của tôi bị đổ cầu thang sau sự cố, khi đó tôi đang đi ra ngoài có việc nên may mắn không bị sao.”.
Hiện trường vụ sập nhà cổ Trần Hưng Đạo (ảnh Facebook). |
“Nhiều năm nay, tôi cũng như các hộ gia đình sống trong khu tập thể đường sắt không hề được lực lượng chức năng cảnh báo về tình trạng xuống cấp của ngôi nhà số 107 cũng như những ngôi nhà cổ khác tại đây. Sự cố diễn ra ngày hôm qua khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ và lo sợ.” – bà Minh T. cho hay.
Từ đêm qua, lực lượng chức năng đã thông báo tới các hộ gia đình chuyển tới khu chung cư CT1 Định Công ở tạm thời. Tuy nhiên, một số người dân do không nghe được thông báo nên đã bơ vơ trong tối qua.
“Tối qua tôi chuyển tới ở nhờ nhà người thân, nhà người thân cũng chỉ là căn phòng thuê chật hẹp, thêm 4 thành viên gia đình nhà tôi nữa nên sinh hoạt rất khó khăn.”, chị B. cho biết.
Hiện tại, chị B. cũng như nhiều hộ gia đình sống tại khu vực xảy ra sự cố mong muốn cơ quan chức năng sớm thu xếp nơi ăn chốn ở ổn định cho các hộ gia đình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
[mecloud]uZDXofT974[/mecloud]
Xuân Tùng
[mecloud]QtCSZPdRTr[/mecloud]