Theo Tân Hoa Xã, các hoạt động cứu hộ đã kết thúc vào trưa 6/3, sau khi thi thể của các thợ mỏ được tìm thấy. Theo cơ quan cứu hộ, 14 thợ mỏ trên bị mắc kẹt kể từ khi phần mái của mỏ than Sanhe Shunxu, huyện Trinh Phong, tỉnh Quý Châu bất ngờ bị sập vào lúc 8h40 ngày 25/2.
Số liệu của Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết sản lượng khai thác hằng năm của mỏ than này vào khoảng 150.000 tấn.
Những mỏ than ở Trung Quốc thường xuyên xảy ra nhiều vụ nổ và rò rỉ khí đốt. Ngành công nghiệp khai thác mỏ tại quốc gia này hiện vẫn chưa xóa được tai tiếng về tiêu chuẩn an toàn lao động kém. Chính phủ Trung Quốc thời gian qua có những nỗ lực cải thiện điều kiện lao động và chống khai thác mỏ bất hợp pháp, tuy nhiên các chính sách vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Năm 2018, 21 thợ mỏ đã thiệt mạng trong một tai nạn hầm mỏ tại tỉnh Sơn Đông. Áp lực quá lớn dưới hầm mỏ khiến thành đá trong hầm vỡ vụn, chặn lối thoát của đường hầm và làm nhóm thợ mỏ kẹt lại dưới lòng đất. Lực lượng cứu hộ chỉ tìm thấy được một người sống sót.
Hồi tháng 1/2020, 22 công nhân đã mắc kẹt trong khu mỏ ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, sau vụ nổ làm sập lối vào, khiến họ kẹt dưới lòng đất hai tuần. 11 người được cứu sống sau đó, 10 người chết, một người mất tích.
Tháng 12/2020, 23 thợ mỏ chết sau khi mắc kẹt dưới lòng đất ở thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc. Tai nạn xảy ra chỉ vài tháng sau khi 16 công nhân chết vì ngộ độc khí CO tại một mỏ than khác trong cùng thành phố.
Nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc đang kêu gọi chấm dứt khai thác tại những mỏ than nhỏ có năng suất dưới 300.000 tấn/năm do lo ngại các vấn đề an toàn và môi trường.
Mộc Miên (Theo Tân Hoa Xã)