Ngoài dự án thuỷ điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), nơi vừa xảy ra vụ sập hầm nghiêm trọng khiến 12 công nhân bị mắc kẹt, Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) cũng là chủ đầu tư của 2 dự án thuỷ điện khác có công suất và quy mô khá lớn tại 2 vùng miền núi phía Bắc.
Vietracimex là một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, có trụ sở chính tại Hà Nội. Trải qua gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, hiện nay Vietracimex đã có trên 20 Công ty, Xí nghiệp trực thuộc trải khắp ba miền Bắc - Trung - Nam Việt Nam.
Đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện, nhiệt điện là một trong những lĩnh vực hoạt động mũi nhọn của Vietracimex. Trong những năm qua Vietracimex đã và đang là chủ đầu tư xây dựng các dự án thuỷ điện lớn tại tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng và Hà Giang.
Trong đó, dự án thuỷ điện Tà Thàng là có thể coi là công trình thuỷ điện lớn nhất của Vietracimex, có địa điểm tại xã Suối Thầu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Dự án này chính thức được khởi công vào hồi tháng 5/2009 với tổng vốn đầu tư 659 tỷ đồng. Khi được đưa vào khai thác thuỷ điện Tà Thàng sẽ có công suất lắp máy khoảng 58 MW.
Dự án được mong đợi sẽ cung cấp tổng lượng điện hàng năm là 273.10 GWh và lượng điện thuần phát ra là 269.00 GWh sẽ hòa vào lưới điện Quốc Gia. Hàng năm, dự án có thể tạo ra 155,053 tCO2 thông qua sự dịch chuyển của dòng điện phát ra bởi hệ thống lưới điện kết nối với nhà máy.
Công trình thuỷ điện Tà Thàng. |
Mới đây, ngày 23/11/2014, Vietracimex cũng đã cho khởi công xây dựng một dự án thuỷ điện khác tại công trường thủy điện Bắc Mê– tỉnh Hà Giang.
Dự án thủy điện Bắc Mê nằm cách 210 km về phía Bắc so với Hà Nội trên sông Gâm, thuộc huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Vị trí dự án và hồ chứa thuộc tỉnh Hà Giang và Cao Bằng là những tỉnh nhiều đồi núi với tiềm năng thủy điện lớn.
Video tham khảo:
Thông tin mới nhất về vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng
Công trình thủy điện Bắc Mê trên sông Gâm, phụ lưu cấp I của sông Lô, thuộc địa phận các xã Yên Phong và Phú Nam, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, cách thị trấn Bắc Mê mới khoảng 7 km về phía thượng lưu sông Gâm và cách thị xã Hà Giang khoảng 64 Km theo đường QL34 đi Cao Bằng.
Nhà máy thủy điện Bắc Mê là nhà máy thủy điện bậc thang thứ 5 trong quy hoạch dòng chảy sông Gâm, công trình nằm trung du sông Gâm, với chức năng phát điện là chính. Diện tích lưu vực tính đến vị trí đập là 10985km2. Lưu lượng bình quân nhiều năm là 201m3/s, mực nước dâng bình thường hồ chứa là 138m, thể tích tương ứng 28.89×106 m3,tổng thể tích hồ chứa 32.52×106 m3; tổng công suất lắp máy nhà máy là 45MW, lượng điện phát bình quân nhiều năm là 197×106 kWh.
Dự án thuỷ điện Bắc Mê có tổng mức đầu tư gần 1400 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành trong 3 năm từ 2014 đến 2017.
Hình ảnh trong lễ động thổ công trình thuỷ điện Bắc Mê. |
Quay trở lại với dự án thuỷ điện Đa Dâng – Đa Chomo, đây được coi là công trình thuỷ điện đầu tay của Vietracimex được khởi công xây dựng vào ngày 17/12/2003, tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Công trình thuỷ điện Đạ Dâng – Đa Chomo có tổng công suất 22 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 109,27 triệu kWh với tổng mức đầu tư 475,166 tỷ đồng theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).
Công trình này gồm hai nhà máy thuỷ điện liên hoàn – Nhà máy thuỷ điện Đạ Dâng đặt trên dòng sông ĐaDâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và Nhà máy thuỷ điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông Đa Dâng, tại xã Phi Tô, Lâm Hà).
Hầm thuỷ điện Đa Dâng nơi xảy ra sự cố sập hầm khiến 12 công nhân bị mắc kẹt ngày 17/12. |
Chỉ cách đây vài ngày, tại công trình thuỷ điện Đạ Dâng đã xảy ra sự cố sập hầm nghiêm trọng, khiến 12 công nhân mắc kẹt và bị cô lập giữa những khối đất đá lớn. Hiện đội cứu hộ từ nhiều miền đất nước cùng các bộ, ban nghành liên quan vẫn đang nỗ lực từng giây để có thể giải cứu, đảm bảo an toàn cho các nạn nhân bị mắc kẹt trong thời gian sớm nhất.
Hiện tại, trước sự việc trên khi nhiều phóng viên báo chí tìm đến Vietracimex để làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư trong sự cố nêu trên, ông Lê Tuấn Dũng - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Vietracimex cho biết, hiện ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vietracimex đang công tác tại Châu Âu. Còn các lãnh đạo khác của Vietracimex đều đang ở hiện trường nên không thể có mặt tại trụ sở công ty để đưa ra phát ngôn chính thức về vụ việc.