Báo Giao thông đưa tin, sáng nay (25/6), hai dự án giao thông quan trọng gồm Vành đai 4 Vùng Thủ đô và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 chính thức khởi công.
Dự án Vành đai 4 - Phương án giải bài toàn ùn tắc
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo thông tin dự án, tổng chiều dài dự án khoảng gần 113km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 58,2km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với bề rộng 17m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Được biết, trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào tháng 6/2022.
Liên quan đến dự án, báo Vietnamnet thông tin, theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội Nguyễn Chí Cường, tính đến ngày khởi công dự án, 7 quận, huyện đã thu hồi đất bàn giao mặt bằng được 651,33/798ha (đạt 81,62%), vượt kế hoạch và cam kết.
Đối với việc xây dựng dự án Vành đai 4, TP. Hà Nội kỳ vọng sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới để thu hút người dân ra ngoại thành, tạo điều kiện giải quyết vấn đề ùn tắc, thiếu trường lớp, ô nhiễm môi trường... trong nội đô.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ không thu phí
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đi qua tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang có chiều dài gần 27,5km. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Nguồn tin cho hay, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 24/6/2022 với tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan quản lý, có tổng vốn đầu tư 3.640 tỷ đồng; dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang phụ trách có tổng vốn đầu tư 2.246 tỷ đồng.
Trao đổi trên báo Giao thông, ông Phan Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh cho biết, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là công trình trọng điểm của tỉnh. Do đó, ngay khi dự án triển khai, địa phương đã chủ động tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của dự án. Nhờ vậy, đến nay, các hộ dân trên địa bàn xã đã đồng thuận và nhất trí cao với địa phương nhận tiền, bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đầu tư công từ nguồn phục hồi phát triển kinh tế xã hội và vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025. Thông tin trên báo Tiền phong, Sở cho biết sau khi hoàn thành, dự án sẽ không thu phí hoàn vốn để tạo thuận lợi cho việc lưu thông và phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL.
Bảo An (T/h)