Khi lãnh chúa phong kiến mạnh nhất Nhật Bản Nobunaga Oda gặp Yasuke - một người giữ nô lệ da đen vào năm 1581, ông đã tin rằng người đàn ông đó là một vị Thần.
Yasuke là samurai người châu Phi đầu tiên của Nhật Bản. Ảnh: CNN |
Thomas Lockley, tác giả của "Samurai châu Phi: Câu chuyện có thật về Yasuke, Chiến binh da đen huyền thoại ở Nhật Bản" đã tiết lộ nhiều bí mật mà theo đó, Lãnh chúa Oda chưa bao giờ nhìn thấy một người châu Phi trước đây. Và giống như người dân địa phương ở thủ đô Kyoto của Nhật Bản, ông đã bị thu hút bởi chiều cao, vóc dáng và màu da của Yasuke.
"Khi Yasuke đến Kyoto (cùng với những người truyền giáo Dòng Tên), đã có một cuộc bạo loạn lớn. Mọi người muốn gặp ông ấy và ông ấy có mặt", tác giả Lockley, người đã dành 9 năm nghiên cứu và viết cuốn sách chia sẻ. Ông Oda tin rằng Yasuke là một “con quỷ bảo vệ” hoặc "Daikokuten" - vị Thần thịnh vượng thường được đại diện bởi những bức tượng màu đen trong các ngôi đền.
Lãnh chúa đã cố gắng chà xát da của Yasuke vì tin rằng đó là mực đen. Khi đã được thuyết phục rằng Yasuke là một người thật sự tồn tại, ông đã ngay lập tức tổ chức một bữa tiệc để vinh danh.
Trong kỷ nguyên đầy rẫy gián điệp chính trị, ám sát tàn nhẫn và ninja tấn công, Yasuke được coi là một tài sản quý giá. Lãnh chúa Oda đã sớm biến “vị Thần” thành một samurai - thậm chí còn cung cấp cho Yasuke người hầu, nhà riêng và quyền lực.
Ngày nay, di sản của Yasuke là samurai châu Phi đầu tiên trên thế giới nổi tiếng ở Nhật Bản, truyền cảm hứng cho rất nhiều thứ, từ sách thiếu nhi giành giải thưởng cho đến một bộ truyện tranh có tựa đề "Afro Samurai".
Những tranh cãi về gia thế của Yasuke
Yasuke đến Nhật Bản theo tàu của các nhà truyền giáo Dòng Tên. Ảnh: CNN |
Quê hương của Yasuke vẫn còn là một bí ẩn vì các nguồn lịch sử là rất ít ỏi. Trong khi một số nhà nghiên cứu tin rằng ông đến từ Mozambique, những người khác lại cho là từ Sudan.
Về phần mình, ông Lockley nghi ngờ rằng Yasuke bị bắt cóc từ gia đình ruột thịt từ khi còn nhỏ bởi những kẻ buôn bán nô lệ Ả Rập hoặc Ấn Độ rồi sau đó bị bán qua các nước Ả Rập và trên khắp Ấn Độ Dương. Yasuke có thể đã làm việc như một nô lệ và được đào tạo như một lính trẻ em, chiến đấu ở Gujarat và Goa tại Ấn Độ trước khi được các nhà truyền giáo Dòng Tên từ Bồ Đào Nha thuê làm người phục vụ.
Vào thời điểm đó, Goa là một trung tâm thương mại, truyền giáo và quân sự hàng đầu cho người Bồ Đào Nha ở Ấn Độ, đồng thời là một trong những trung tâm buôn bán nô lệ châu Phi lớn nhất. Đó là nơi mà ông Lockley suy đoán rằng Yasuke đã gặp Alessandro Valignano - nhà truyền giáo Dòng Tên mạnh nhất thời đó ở Châu Á, người đã biến ông thành người hầu và vệ sĩ.
Hai người và đoàn tùy tùng của họ đã đến cảng Kuchinotsu ở Nagasaki, trên đảo Kyushu phía Nam Nhật Bản bằng tàu vào năm 1579, theo ông Lockley. Ông Valignano - người đã dành 6 năm đi từ Rome qua các quốc gia như Bồ Đào Nha, Mozambique, Ấn Độ, Malaya và Macau hy vọng sẽ chuyển đổi hàng ngàn người Nhật Bản sang Kitô giáo.
Ninja, tu sĩ chiến binh và samurai
Khi Yasuke đến Nhật Bản, đất nước này bị kéo vào một cuộc nội chiến tàn khốc mà phải đến năm 1603 mới kết thúc. Thời kỳ - được gọi là "kỷ nguyên của các bên tham chiến" - đã chứng kiến hàng trăm người mạnh mẽ từ các khu vực trên khắp đất nước chiến đấu giành quyền lực.
Một nền tảng của hòa bình đã được khôi phục khi các lãnh chúa phong kiến địa phương còn lại, hay "daimyo" tìm cách thống nhất Nhật Bản.
Lãnh chúa Nobunaga Oda đã trở thành người mạnh nhất trong số họ. Ông kiểm soát Kyoto, trung tâm của đất nước, và được xem là một trong ba người thống nhất Nhật Bản thời kỳ đó cùng với các lãnh chúa Ieyasu Tokugawa và Hideyoshi Toyotomi. Tuy nhiên, quyền lực và sức mạnh của ông cũng không ngăn được các lãnh chúa nhỏ và các nhóm tu sĩ, kẻ cướp có vũ trang cực đoan ganh đua giành lãnh thổ. Ông vẫn cần được bảo vệ.
Yasuke cao lớn đã sử dụng kinh nghiệm quân sự của mình để phát hiện rủi ro cho Dòng Tên khi họ thành lập liên minh với các lãnh chúa địa phương, tác giả Lockley nói. Ông đã huấn luyện những dân quân khác và có khả năng tự học các kỹ thuật mới, bao gồm võ thuật và kiếm thuật của Nhật Bản. Sau này, lãnh chúa Oda cũng thường xuyên tìm đến Yasuke với mong muốn biết được nhiều tin tức về thế giới rộng lớn bên ngoài.
"Yasuke ban đầu được xem là một nguồn giải trí vì ông là một người mới lạ, nhưng trong vòng 1 tháng, ông đã trở thành samurai có giá trị và là thành viên trong đoàn tùy tùng của Oda", ông Lockley cho biết. "Theo các nguồn tin, Oda chỉ thích nói chuyện với Yasuke".
Vào thời điểm đó, các samurai - nhóm chiến binh thành thạo trong chiến tranh và nghệ thuật - đã trở thành giai cấp thống trị ở Nhật Bản. Không tìm được thông tin về việc ông Yasuke đã kiếm được bao nhiêu vào thời điểm đó nên rất khó để làm rõ việc chiến binh này xếp hạng cao như thế nào, nhưng suy đoán cho rằng có thể cao đến mức độ làm vệ sĩ thân cận cho lãnh chúa Oda.
Lãnh chúa Oda rất tin tưởng và trọng dụng samurai Yasuke. Ảnh: CNN |
Từ samurai đến ronin
Năm 1581, Yasuke gia nhập lực lượng của Oda trong cuộc xâm chiếm tỉnh Iga. Oda đã tấn công với 40.000 đến 60.000 quân và chinh phục nó sau nỗ lực thất bại của con trai ông hồi năm 1579. Đó là chiến dịch quân sự đầu tiên của Yasuke dưới chướng lãnh chúa Oda.
Chiến dịch thứ hai và cuối cùng của ông là vào tháng 6/1582 khi tướng samurai của Oda, Mitsuhide Akechi, tấn công nơi ở của Oda ở Kyoto. Cuộc tấn công đã chấm dứt kế hoạch củng cố quyền lực của Oda tại Nhật Bản.
Đối mặt với thất bại, Oda đã kết liễu cuộc đời của chính mình để tránh bị mất danh dự. Ông thực hiện một nghi thức gọi là "sepukku" – đâm một thanh kiếm ngắn vào bụng. Truyền thuyết kể lại rằng mệnh lệnh cuối cùng của Oda đối với Yasuke là giữ thanh kiếm và cái đầu bị chặt của giao cho con trai ông.
"Đầu của Oda không thể rơi vào tay người khác. Công việc của Yasuke là giữ gìn sức mạnh gia tộc", tác giả nói.
Sau cái chết của Oda, thông tin về Yasuke trở nên khan hiếm hơn. Các tài liệu tham khảo cuối cùng có thể có về ông là từ các ghi chép của Dòng Tên năm 1582.
Theo Gary Leupp, giáo sư lịch sử tại Đại học Tufts, Yasuke bị kẻ thù của Oda bắt làm tù binh nhưng sau đó được thả ra vì ông không phải là người Nhật. Yasuke đã trở thành một "ronin" - một samurai không có chủ. Lockley suy đoán rằng Yasuke có thể đã nối lại vai trò bảo vệ trước đây của mình cho các nhà truyền giáo Dòng Tên hoặc trở thành một thủy thủ/cướp biển.
Trong khi sự tồn tại của Yasuke đã đi vào sách sử, ông không phải là người nước ngoài duy nhất ở Nhật Bản. Vào thời điểm đó, Kyushu là nơi sinh sống của một lượng lớn người Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhiều người châu Âu, Ấn Độ và châu Phi cũng đi qua đất nước này.
Sự hiện diện của họ được ghi lại trong đó mô tả sự xuất hiện của họ trên những con tàu lớn màu đen và cuộc sống của họ cùng với người dân địa phương. "Yasuke thực sự nổi tiếng vì ông ấy phục vụ Oda. Chúng tôi có nguồn tin về cuộc sống, tên, hành động và tính cách của ông ấy", tác giả Lockley bổ sung "Những người khác không được ghi chép lại, chúng tôi không thể mang lại bức tranh về cuộc sống của họ".
Cuộc sống của Yasuke thường được mô phỏng lại qua tiểu thuyết. Năm 1968, tác giả Yoshio Kurusu cho ra mắt một cuốn sách thiếu nhi giành giải thưởng có tên là "Kurosuke". Trong những năm gần đây, đã có những bộ phim truyền hình lịch sử và truyện tranh Nhật Bản.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)