+Aa-
    Zalo

    Khám phá lâu đài samurai hấp dẫn nhất Nhật Bản

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lang thang quanh khu vực lâu đài Hikone bên Hồ Biwa ở trung tâm Nhật Bản, cảnh tượng trông giống như hình ảnh được in trên một tấm bưu thiếp.

    Lang thang quanh khu vực lâu đài Hikone bên Hồ Biwa ở trung tâm Nhật Bản, cảnh tượng trông giống như hình ảnh được in trên một tấm bưu thiếp.

    Lâu đài Hikone được xây dựng từ năm 1603 vẫn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ảnh: David Green

    Được biết đến với tên gọi "lâu đài nước", khu phức hợp có tường đá cao chót vót, hoa anh đào lãng mạn, cửa sổ thoáng đãng và cầu thang dốc dẫn đến những bức tường bằng gỗ - nơi du khách dừng chân chiêm ngưỡng toàn cảnh hồ bên dưới.

    Cuốn sách mới của tác giả Jennifer Mitchelhill và nhiếp ảnh gia David Green – những người đã dành hơn 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu 24 lâu đài samurai ở Nhật Bản có tên gọi là "Samurai Castles" (tạm dịch: Những lâu đài samurai) đã làm rõ một số ý tưởng, chi tiết thẩm mỹ, giá trị văn hóa và những diễn biến lịch sử xung quanh những kỳ quan kiến ​​trúc này.

    Là giáo sư về lịch sử kiến ​​trúc tại Đại học Melbourne, Úc, bà Mitchelhill đã đến Nhật Bản rất nhiều lần trong 30 năm qua vì các dự án nghiên cứu và công việc giảng dạy. "Một trong những dự án nghiên cứu này là tài liệu về việc tái thiết lâu đài Kanazawa", bà Mitchelhill nhớ lại. "Vì thiếu thông tin chính xác bằng tiếng Anh về các lâu đài của Nhật Bản nên tôi quyết định đến thăm, chụp ảnh và ghi lại thông tin về nhiều lâu đài ở đây".

    Vào năm 2003, giáo sư Mitchelhill cho ra đời cuốn sách đầu tiên của bà với tên gọi "Lâu đài Samurai: Quyền lực và Sắc đẹp", cũng hợp tác với ông Green. Trong 15 năm tiếp theo, trong các nghiên cứu sau đại học, bà Mitchelhill tập trung vào thiết kế kiến trúc ở Nhật Bản. Từ đó, bà tiết lộ rất nhiều điều về các lâu đài samurai cổ đại của Nhật Bản.

    Kiến trúc đặc biệt của lâu đài Himeji. Ảnh: David Green

    Bà Mitchelhill nói: "Sự quan tâm ban đầu của tôi đối với các lâu đài Nhật Bản là kiến ​​trúc. Tôi tò mò về phương thức hình thành cấu trúc quân sự mạnh mẽ nhưng vẫn tồn tại nét duyên dáng cùng nhiều chi tiết phức tạp. Bên cạnh đó, những câu chuyện đằng sau mỗi lâu đài cũng là một chủ đề thú vị. Tại sao một vị lãnh chúa lại cho xây dựng lâu đài nhưng không ở lại đó?”.

    “Các samurai là chiến binh. Thời kỳ mà các lâu đài trong cuốn sách này được xây dựng kéo dài đến cuối thời kỳ Chiến Quốc khoảng cuối thế kỷ 16 cho đến những năm đầu thời kỳ Tokugawa Shogunate hoặc thời Edo (1600-1868)", bà Mitchelhill nói. "Khoảng thời gian đó là thời kỳ phong kiến ​​với một hệ thống phân biệt đẳng cấp nghiêm ngặt. Các Shogun là lãnh đạo quân sự tối cao, daimyo là chúa tể của một khu vực, và các samurai là các thuộc hạ hoặc quân đội của daimyo”.

    "Tuy nhiên, các samurai không chỉ là những chiến binh. Họ cũng là những người xây dựng lâu đài, chung tay với các chính trị gia và nhà lãnh đạo địa phương với ý thức thẩm mỹ tuyệt vời. Số lượng lâu đài đã thay đổi rất nhiều trong 500 năm qua", bà Mitchelhill khẳng định. "Trong thời kỳ Chiến Quốc ở thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16, hàng ngàn công sự được xây dựng để bảo vệ lãnh thổ của chiến binh".

    Lâu đài Nijo được cho là lâu đài samurai đẹp nhất còn tồn tại nguyên vẹn sau hơn 400 năm. Ảnh: David Green

    "Vào cuối giai đoạn này khi Nhật Bản đã được thống nhất bởi 3 daimyo mạnh mẽ, hàng trăm lâu đài lớn hơn, được xây dựng với những bức tường đá kiên cố đã ra đời. Sau này, rất nhiều lâu đài lại bị phá hủy một cách đáng tiếc, cho đến khi Tokugawa đạt được sức mạnh tuyệt đối vào năm 1615, bảo tồn được khoảng 180 lâu đài", giáo sư Mitchelhill nói.

    "Nhiều tòa lâu đài đã được xây dựng lại. Trong 20 năm qua, Nhật Bản đã cố gắng tại tạo, sửa chữa những lâu đài bị hư hại nặng bằng cách sử dụng các kỹ thuật xây dựng truyền thống. Những lâu đài trong cuốn sách này là những lâu đài nguyên vẹn hoặc quan trọng nhất vẫn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, vẫn có thể tìm thấy phần còn lại của hàng trăm lâu đài trên khắp Nhật Bản", giáo sư Úc khẳng định.

    "Lâu đài được thiết kế bởi samurai hoặc các lãnh chúa của họ", bà Mitchelhill bổ sung. "Hai trong số những nhà thiết kế lâu đài nổi tiếng nhất là daimyo Todo Takatora và Kato Kiyomasa. Todo Takatora được cho là đã thiết kế khoảng 20 lâu đài, lớn nhất và quan trọng nhất là lâu đài Edo. Các lâu đài khác của Todo là Wakayama, Uwajima, Imabari, Iga Ueno và Sasayama".

    "Kato Kiyomasa thiết kế Kumamoto và lâu đài Nagoya. Ông được biết đến với kỹ năng của mình trong việc xây dựng bức tường đá tuyệt đẹp. Có một hòn đá khổng lồ ở một trong những bức tường ở lâu đài Nagoya dành riêng cho ông gọi là đá Kiyomasa", bà Mitchelhill nói. "Mặc dù các lâu đài samurai có kiến ​​trúc tương tự nhau về tường đá, hào và tháp gỗ, chúng khác nhau về kích thước, bố trí và các tính năng thẩm mỹ cụ thể".

    "Mỗi lâu đài phải có hệ thống phòng thủ đặc biệt để gây nhầm lẫn cho kẻ thù xâm lược. Ngoài ra, các lâu đài khổng lồ được xây dựng chỉ trong một vài năm chỉ sử dụng lao động thủ công địa phương. Theo lệnh của daimyo, nông dân xây tường đá cao tới 30 mét, đào hào sâu tới tám mét, vận chuyển những tảng đá khổng lồ được đặt ở lối vào quan trọng và sử dụng vô số gỗ, bùn cùng với thạch cao", tác giả của cuốn sách về lâu đài samurai tiết lộ.

    "Thật không may, trận động đất năm 2016 đã làm mất ổn định nhiều bức tường và các tòa nhà ở lâu đài Kumamoto. Dự kiến ​​sẽ mất rất nhiều năm để sửa chữa. Trong số những lâu đài tôi đã đến, có lâu đài Nijo ở Kyoto rất đẹp. Đây là lâu đài lâu đời nhất còn tồn tại trên 400 năm tuổi", bà Mitchelhill cho hay. “Được xây dựng bởi Tokugawa Ieyasu (người sáng lập của Mạc phủ Tokugawa) trong thời đại Edo 1600-1868, Ieyasu đã sử dụng những nghệ nhân lành nghề nhất thời điểm đó để trang trí cho các bức tường với những bức tranh và những công trình chạm khắc tinh tế, sang trọng.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-pha-lau-dai-samurai-hap-dan-nhat-nhat-ban-a242240.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan