+Aa-
    Zalo

    Sắm vai "người hùng" giúp châu Âu giải cơn khát khí đốt, Na Uy vẫn bị chỉ trích

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian qua, châu Âu đã phải nhờ đến sự trợ giúp của Na Uy khi châu lục này trải qua tình trạng khan hiếm khí đốt tự nhiên và nguy cơ các đường ống khí đốt ngừng hoạt động.

    Nhiều tháng kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Na Uy, quốc gia vùng Scandinavia, đang dần trở thành trung tâm trong kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu. Na Uy giờ đã thay thế Nga, thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho Liên minh châu Âu (EU). 

    Sự cố rò rỉ đường ống khí đốt Nord Stream hiện không gây ra nguy cơ khủng hoảng về nguồn cung năng lượng với EU, bởi khối này đã cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga và chuyển sang sử dụng đường ống dẫn khí khác từ Na Uy tới Ba Lan trong cùng tuần đó.

    Các nước châu Âu đang dựa vào năng lượng của Na Uy với hy vọng có thể vượt qua mùa đông khắc nghiệt sắp tới, và để lấp đầy các kho lưu trữ cho một năm tiếp theo.

    nang luong na uy
    Giàn khoan của công ty dầu khí Statoil ở ngoài khơi Stavanger, Na Uy hồi năm 2016. Ảnh: Reuters.

    Tuy nhiên, Olso hiện vẫn đang hứng không ít chỉ trích từ châu Âu, trong đó có ý kiến cho rằng Na Uy đang trục lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng thông qua các khoản phí.

    Theo Washington Post, ảnh hưởng từ cuộc xung đột đang góp phần khiến Na Uy giàu lên. Quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong ngành dầu khí. Olso dự kiến sẽ thu được khoảng 109 tỷ USD từ lĩnh vực dầu khí trong năm nay, nhiều hơn 82 tỷ USD so với năm 2021. Phần lớn trong số đó sẽ được chuyển đến quỹ tài sản có chủ quyền của đất nước.

    Những người chỉ trích đã lên án Na Uy về khoản doanh thu này. Trong đó, thủ tướng Ba Lan đã thúc giục Na Uy chia sẻ khoản lợi nhuận "dư thừa, khổng lồ" này với Ukraine và cáo buộc Olso gián tiếp "trục lợi" từ cuộc xung đột. 

    Không chỉ Na Uy, các công ty Mỹ cũng bị chỉ trích vì kiếm khoản tiền khổng lồ từ việc việc bán khí đốt tự nhiên cho EU. Nhưng việc Na Uy có mối liên hệ chặt chẽ hơn, và thực tế họ là một quốc gia láng giềng, khiến tình thế của nước này có phần khó khăn hơn.

    Các quan chức Na Uy đã bác bỏ các tuyên bố cho rằng họ "trục lợi" từ cuộc khủng hoảng. Họ giải thích rằng việc áp dụng các mức giá cao một phần là do ảnh hưởng bởi thị trường khan hiếm. Đồng thời, Na Uy khẳng định nước này đã hỗ trợ EU trong các lệnh trừng phạt, cung cấp các khoản viện trợ quân sự cho Ukraine và nỗ lực giúp EU thỏa mãn "cơn khát năng lượng".

    Ở trung tâm cuộc tranh luận là những câu hỏi về định nghĩa "tốt" trong lĩnh vực năng lượng, giữa lúc xung đột tiếp diễn, lạm phát tăng cao và khủng hoảng khí hậu.

    Những vấn đề đó đã trở thành tâm điểm được đưa ra thảo luận vào tuần trước, khi thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cùng các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Prague (CH Czech). Trọng tâm cuộc gặp là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và phản ứng của châu Âu.

    nang luong na uy 1
    Bảo tàng Dầu mỏ Na Uy ở Stavange. Ảnh: Washington Post 

    Hôm 6/10, Brussels và Oslo cho biết 2 bên cam kết "cùng nhau phát triển các công cụ" để ổn định thị trường năng lượng và "giảm giá cả" nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết liên quan.

    Trong nhiều tháng qua, một nhóm nhỏ các nhà lập pháp Na Uy đã kêu gọi đưa khoản tiền lợi nhuận thu được từ dầu khí vào "quỹ đoàn kết". Những người này lập luận rằng việc tiết kiệm quá sẽ không công bằng và không khôn ngoan trong bối cảnh Ukraine đang chịu thiệt hại từ các cuộc giao tranh và châu Âu đứng trước bờ vực suy thoái, chi phí sinh hoạt tăng cao tác động trực tiếp đến các nước đang phát triển. 

    Bà Lan Marie Nguyen Berg, thành viên quốc hội đại diện cho Đảng Xanh Na Uy, nhận xét: "Đó không phải lỗi của chúng tôi khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc chiến năng lượng ở châu Âu. Chúng tôi có quyền quyết định những gì chúng tôi muốn làm với những gì chúng tôi kiếm được".

    EU đã đồng ý với việc đánh thuế một số nhà sản xuất năng lượng và  các khoản "đóng góp đoàn kết" từ các công ty nhiên liệu hóa thạch. Số tiền này sẽ được sử dụng để giảm bớt tác động của giá điện cao đối với người tiêu dùng trong khu vực EU. Một số người hy vọng rằng Na Uy, không phải thành viên EU, sẽ quyết định tham gia hoặc làm việc với khối về các biện pháp khác, chẳng hạn như giới hạn mức giá khí đốt.

    Lên tiếng về vấn đề này, ông Andreas Bjelland Eriksen, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Dầu mỏ, phủ nhận việc Na Uy đang thu lợi từ xung đột. Ông Eriksen khẳng định việc giá năng lượng tăng cao cũng "gây tổn hại cho Na Uy" và lưu ý rằng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông chia sẻ: "Châu Âu cũng nhận thấy điều đó và họ cho rằng chúng tôi là đối tác tốt".

    Ở Stavanger, trung tâm ngành dầu khí của Na Uy, hậu quả từ cuộc xung đột Ukraine đã mang lại một sự thay đổi rõ rệt. 

    Việc phát hiện dầu ngoài khơi vào cuối những năm 1960 đã biến dải bờ biển này từ một làng chài thành nơi dừng chân của tỷ phú Elon Musk, khiến Na Uy trở nên giàu. Nhưng những lo ngại về biến đổi khí hậu đã đặt một dấu hỏi về tương lai của thành phố và điều này cũng đã thay đổi khi xung đột nổ ra. 

    Ông Kolbjorn Andreassen, giám đốc truyền thông của Offshore Norge, một hiệp hội ngành dầu khí có trụ sở tại Stavanger, cho biết: "Chúng tôi đã đi từ con số 0 trở thành anh hùng trong một thời gian ngắn. Mọi người đã không chú ý đến vai trò của chúng tôi trong an ninh năng lượng. Giờ đây, châu Âu nhận ra rằng họ thực sự cần chúng tôi như thế nào".

    Nhu cầu cao và nguồn cung thấp đã dẫn đến tình trạng giá khí đốt tăng cao ngất ngưởng, một động lực mà ông và những người khác trong lĩnh vực dầu khí của Na Uy coi như một thực tế tự nhiên, trung lập của cuộc sống.

    Frode Leversund, giám đốc điều hành của Gassco, một nhà điều hành đường ống lớn của Na Uy chuyên vận chuyển khí đốt đến châu Âu, cho biết: "Tôi đã thấy giá thấp và giá cao trong nhiều thập kỷ qua".

    Trong khi đó, ông Bjorn Vidar Leroen, một người từng làm trong ngành khí đốt, chia sẻ: "Liên minh châu Âu và các ủy ban phàn nàn về mức giá nhưng mức giá này hoàn toàn là dựa trên thị trường. Đây là mức giá bạn sẽ phải trả hiện nay".

    Minh Hạnh (Theo Washington Post)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sam-vai-nguoi-hung-giup-chau-au-giai-con-khat-khi-dot-na-uy-van-bi-chi-trich-a553810.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan