Đây là ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa và luật sư trước sai phạm của Tổng công ty xây dựng Hoàng Long–CTCP.
Vừa qua, Báo Đời sống và Pháp luật đã đăng tải 02 bài viết phản ánh về những sai phạm của Tổng công ty xây dựng Hoàng Long-CTCP. Theo đó, các bài viết đã đi sâu phân tích những sai phạm về các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, xây dựng của Tổng công ty xây dựng Hoàng Long-CTCP trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy sản xuất bê tông nhựa đường và bê tông tươi.
Sau khi đăng tải, báo đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả, đặc biệt là giới chính khách và hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Đa số các ý kiến đều cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần có những động thái tích cực trong việc xử lý những sai phạm đang diễn ra tại Tổng công ty xây dựng Hoàng Long-CTCP.
Việc nhìn nhận, xử lý sai phạm một cách nghiêm túc trên tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ góp phần làm trong sạch và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có như vậy Thanh Hóa mới có thể thu hút được các nguồn đầu tư trong và ngoài nước.
Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết: "Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết Trương ương 5 xem doanh nghiệp tư nhân là động lực để phát triển kinh tế xã hội, đây là một chủ trương rất đúng.
Bên cạnh đó còn có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa… Có nghĩa là Nhà nước đang làm tất cả các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, đã là kinh doanh phải theo đúng quy định của pháp luật, chấp hành tất cả các nguyên tắc của kinh tế thị trường, chính sách pháp luật về đất đai, xây dựng, thuế..."
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không thể gia hạn hoàn thiện các thủ tục về đầu tư cho Tổng công ty xây dựng Hoàng Long-CTCP |
Nói về những sai phạm đang diễn ra tại Tổng công ty xây dựng Hoàng Long–CTCP, Đại biểu Lưu Bình nhưỡng cho rằng: “Công tác quản lý về đất đai ở địa phương còn đang lỏng lẽo. Ngược lại có một số doanh nghiệp ý thức tuân thủ pháp luật kém, được bảo kê, dẫn đến việc lợi dụng để thu lợi bất chính, làm xáo trộn tình hình an ninh chính trị địa phương.
Cần phải xử lý theo quy định của pháp luật, nếu vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, nếu phạm tội hình sự thì xử lý hình sự. Tất cả các cơ quan quản lý nhà nước phải định lượng, định tính được tất cả các sai phạm của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát của đại biểu dân cử, của mặt trận tổ quốc, của nhân dân đối với hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này. Để tình trạng vô chính phủ là không được”.
Cũng theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Ở đây cần xác định trách nhiệm từ hai phía. Thứ nhất, nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm cần phải xử lý nghiêm. Thứ hai, nếu sai phạm này xuất phát từ công tác quản lý của các cơ quan nhà nước cần phải quy trách nhiệm, xử lý. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các bên, muốn làm rõ trách nhiệm của các bên thì phải có thanh tra, kiểm tra, giám sát".
Nói về việc Tổng công ty xây dựng Hoàng Long-CTCP sử dụng đất từ năm 2008 đến nay nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: "Phải truy thu tiền sử dụng đất của doanh nghiệp này, truy thu không có nghĩa là hợp thức hóa cho sai phạm. Tùy theo tính chất mức độ của sai phạm mà xử lý cho nghiêm túc".
Dù đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận địa điểm đầu tư từ năm 2011, nhưng đến nay, Tổng công ty xây dựng Hoàng Long-CTCP vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư |
Về việc gia hạn hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, Đại Biểu Lưu Bình Nhưỡng cương quyết: "Không thể gia hạn được, làm gì có việc gia hạn đi, gia hạn như thế, việc gia hạn là không thể chấp nhận được".
Đồng quan điểm với Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, ông Đỗ Đình Hiệu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa - cho rằng: "Đã là doanh nghiệp thì phải thực hiện theo các quy định của pháp luật. Nếu doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo mức độ vi phạm khác nhau".
Theo ông Hiệu: "Mức độ nhận thức pháp luật của các doanh nghiệp là khác nhau, có những doanh nghiệp nhận thức rõ thì thực hiện đúng, có những doanh nghiệp nhận thức chưa rõ hoặc có những doanh nghiệp biết nhưng vẫn cố tình làm trái quy định".
“Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, những đơn vị không thực hiện đúng sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, các cơ quan thực thi pháp luật phải có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứ không phải kiểu cài bài, cài bẫy để doanh nghiệp vướng phải, nếu như vậy sẽ không đúng tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp” - Ông Hiệu trao đổi.
Nói về sai phạm của Tổng công ty xây dựng Hoàng Long-CTCP, ông Hiệu nhận định: "Việc doanh nghiệp không thực hiện các quy định của pháp luật về đầy tư, đất đai, xây dựng tồn tại rất nhiều trên thực tế. Sai phạm của doanh nghiệp phải được xác định từ hai phía.
Đầu tiên là phía doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp phải ý thức được trách nhiệm mình cần phải làm gì, khi được chấp thuận chủ trương đầu tư. Thứ hai là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, chính quyền cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện sai phạm và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tránh đùn đẩy trách nhiệm để rồi “con mọc răng còn nói năng chi nữa”. Đến lúc việc xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu đập bỏ tài sản của doanh nghiệp thì rất là đau sót, nhiều khi nương tay là ở chỗ đó".
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng luật sư Phạm Sơn – Đoàn luật sư TP. Hà Nội |
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Văn phòng luật sư Phạm Sơn, Đoàn luật sư TP Hà Nội) - nói: "Sai phạm của doanh nghiệp phải được xác định ở hai khía cạnh mà các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần làm rõ đó là sai phạm lỗi do chính quyền, hay lỗi do doanh nghiệp. Về bản chất doanh nghiệp nào cũng muốn hoàn thiện thủ tục nhanh để tiến hành sản xuất kinh doanh".
Như vậy, những sai phạm tại Tổng công ty xây dựng Hoàng Long–CTCP cần được xem xét từ hai phía, nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do doanh nghiệp cố tình không thực hiện các quy định của pháp luật hay do công tác quản lý của chính quyền lỏng lẽo? Và dù xuất phát từ bên nào đi chăng nữa, đã sai phạm thì phải xử lý.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Đức Thiện