+Aa-
    Zalo

    Sách giáo khoa giả “tấn công” trước thềm năm học mới, phụ huynh lạc vào “ma trận”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chỉ trong vài tháng, cơ quan chức năng khắp nơi đã phát hiện và thu giữ hàng trăm ngàn sách giáo khoa giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

    Năm học 2019 - 2020 đã bắt đầu, thị trường sách giáo khoa đang trở nên sôi động. Cùng với đó, việc in ấn, kinh doanh sách lậu, sách kém chất lượng cũng gia tăng ngày càng tinh vi. Chỉ trong vài tháng, cơ quan chức năng khắp nơi đã phát hiện và thu giữ hàng trăm ngàn sách giáo khoa giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhận thức của học sinh.

    Sách giáo khoa bị in giả ngày càng tinh vi với số lượng lớn. 

    Sách giáo khoa “dỏm” tràn lan

    Mới đây, đại diện cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai cho biết, cơ quan này đang củng cố hồ sơ để xử phạt đối với 3 cơ sở kinh doanh sách giáo khoa (SGK) giả trên địa bàn là cơ sở kinh doanh Lê Văn Trí (phường Yên Thế, TP.Pleiku), nhà sách Vĩ Yên (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) và cơ sở kinh doanh Toàn.

    Tại 3 cơ sở kinh doanh trên, lực lượng QLTT đã phát hiện có tổng cộng 3.577 cuốn SGK không chứng minh được hóa đơn, chứng từ và nguồn gốc. Số sách này chủ yếu là sách tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9 và sách bài tập hỗ trợ từ lớp 3 đến lớp 7 và sách tin học. Đa phần các loại sách này có giá khá cao, trên dưới 30.000 đồng/cuốn, thậm chí có cuốn tới 60.000 đồng.

    Qua kiểm tra, số sách bị thu giữ đều có tem 7 màu hình tròn, thẻ cào có mã thẻ và số xê-ri để truy cập hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, qua làm việc với NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.Đà Nẵng, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai xác định toàn bộ số sách trên là sách giả, tem dán trên sách là tem giả.

    Trước đó, trong tháng 5 và tháng 6, lực lượng chức năng TP.Hà Nội và tỉnh Bình Định cũng đã phát hiện hơn 100.000 SGK giả trên 2 địa bàn này. Ông Trần Kim Kha, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định cho biết, cơ quan QLTT đã đề nghị chuyển hơn 72.000 SGK nghi giả bị phát hiện tại một nhà sách ở huyện Hoài Nhơn sang Công an tỉnh để mở rộng điều tra.

    Bà Nguyễn Thị Kim Liên, kiểm soát viên đội QLTT số 12, cục QLTT tỉnh Gia Lai cho biết, sách giả giống sách thật từ 90% tới 95% nên rất khó phân biệt bằng mắt thường.

    “Chỉ cầm một cuốn sách trên tay khó phân biệt được thật hay giả. Tuy nhiên, nếu cầm giữa sách thật và sách giả thì có thể thấy sách giả chất lượng in, giấy in, màu sắc không thể bằng sách thật. Bên cạnh đó, tem trên sách giả không thể hiện rõ nét mà rất nhòe, khó đọc. Khi lột tem giả ra thì không có chữ "G-D" mà chỉ là miếng nhựa, còn sách thật thì chữ "G-D" khá rõ nét. Số xê-ri trên sách giả là một số giống nhau ở các cuốn sách chứ không có sự thay đổi liên tục như sách thật. Đặc biệt, đối với sách giả, khi lấy mã số trên thẻ cào truy cập vào website của NXB Giáo dục Việt Nam lấy tài liệu phục vụ thì không thể truy cập được”, bà Liên cho biết.

    Sách giáo khoa giả được dán tem chống hàng giả không khác với sách thật. 

    Gồng mình bảo vệ học sinh

    Ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định, hoạt động in lậu, in nhái, tiêu thụ sách giả đang là vấn đề nhức nhối và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô.

    Theo thống kê của NXB Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị phát hiện in lậu, tàng trữ để tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Những ấn phẩm giáo dục giả, lậu được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ, thậm chí còn được bán trong các cơ sở giáo dục - đào tạo, bán vào các nhà trường.

    “Những cuốn sách giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, Atlas địa lý, đĩa CD nghe nhìn giáo dục. Ngoài ra, các phiên bản sách giáo dục điện tử cũng bị phát tán tràn lan dưới nhiều định dạng, nguồn gốc khác nhau. Những cuốn sách này còn được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ, lọt vào trong các cơ sở giáo dục, nhà trường trên toàn quốc. Ðối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi những cuốn sách giáo khoa giả là các em học sinh do sách in lậu sử dụng chất liệu giấy và chất lượng mực in kém ảnh hưởng tới thị lực của học sinh”, ông Lê Thành Anh trình bày.

    Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam còn nhận định, những đối tượng làm sách lậu không có nghiệp vụ biên tập, kiểm tra, rà soát nội dung dẫn đến cuốn sách có nhiều lỗi lớn khiến các em học sinh bị nhầm lẫn, gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình học tập.

    Để ngăn chặn vấn nạn sách giả, sách lậu, nhất là sách giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam đã phối hợp tích cực với sở Giáo dục & Đào tạo cả nước để khuyến cáo các bậc phụ huynh và học sinh không mua sách giáo khoa từ những nguồn trôi nổi mà nên mua sách từ những hệ thống phân phối chính thức của NXB Giáo dục Việt Nam, các công ty sách và thiết bị trường học tại các địa phương.

    Về mặt kỹ thuật, NXB Giáo dục Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp như các loại mã số, tem chống giả để hạn chế tình trạng in lậu sách của đơn vị cũng như tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng để kiểm soát thị trường.

    Phải liên kết để quyết tâm xử lý

    Trong khi đó, một số chuyên gia giáo dục, in ấn cho rằng cần có những hành lang pháp lý và chế tài mạnh để đủ sức ngăn chặn nạn in và phát hành sách lậu. Theo các chuyên gia, sách giả hiện nay được làm khá tinh vi khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện.

    Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng cục Xuất bản - In và Phát hành nhận định, khi đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường với một cuốn sách cụ thể sẽ móc ngoặc với cơ sở in để in lậu. Những máy in với công suất lớn, hiện đại hoạt động suốt đêm, sáng hôm sau, các nhà sách đã có thể chào bán những cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn giá của nhà xuất bản đưa ra.

    Ðáng lo ngại, vì lợi nhuận cao, nhiều cơ sở in bất chấp các quy định của pháp luật sẵn sàng in bất cứ gì. Dù không có giấy phép in xuất bản phẩm nhưng nhiều công ty, nhà in, cơ sở in vẫn tham gia in nhiều đầu sách theo sự móc ngoặc với đối tượng in lậu. Thực tế, công tác quản lý Nhà nước trong phòng, chống xuất bản phẩm lậu đến nay vẫn chưa đưa ra được những giải pháp thật sự hữu hiệu để có thể ngăn chặn thành công, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu.

    Để có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các nhà xuất bản với lực lượng chức năng trong hoạt động chống in lậu.

    Phó Chủ tịch hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP.Hà Nội Phạm Bá Dục cho biết: “Hiện thông tin của NXB với các đối tác liên kết in ấn, phát hành không thống nhất. Điều này gây khó cho lực lượng QLTT trong việc xác định được đâu là sách in lậu, in nối bản. Nhiều vụ việc cơ quan chức năng đề nghị NXB có sách bị in lậu xác minh đâu là thật, đâu là giả. Nhưng chính đơn vị này cũng không thể khẳng định được một cách chuẩn xác, đây là vấn đề các NXB phải sớm khắc phục trong thời gian tới”.

    Hà Nhân

    Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 35

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sach-giao-khoa-gia-tan-cong-truoc-them-nam-hoc-moi-phu-huynh-lac-vao-ma-tran-a291035.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan