Liên quan đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được trình bày trước Quốc hội vào ngày 21/5, bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH cũng đã bày tỏ những băn khoăn, trăn trở của mình về dự án luật này với phóng viên báo Người Đưa Tin.
Theo dự kiến chương trình làm việc tại nghị trường, ngày 21/5 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Liên quan đến dự án luật này, bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã được nghe những chia sẻ của các đại biểu về dự án luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Nghe audio: ĐBQH chia sẻ về dự án Luật giáo dục (sửa đổi)
[presscloud]9928[/presscloud]
Đây là bộ luật nhạy cảm nhất
ĐBQH Nguyễn Anh Trí mong ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các cử tri, ĐBQH. |
Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ: “Vừa qua, trong tài liệu cập nhật của Quốc hội phát cho chúng tôi, có khoảng 35 ý kiến của các cử tri trên các vùng miền của đất nước rất quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa.
Trong đó, có một vài điểm cử tri cảm thấy cần sửa rất nhiều. Nếu như vẫn quyết định sách giáo khoa cho các nơi tự chọn thì điều này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Việc cho rằng như vậy mới phát huy được sự sáng tạo, chủ động của thầy cô giáo là mơ hồ, khó thực hiện”.
Bày tỏ kỳ vọng của mình về Luật Giáo dục (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết: “Tôi cho rằng, đây là bộ luật nhạy cảm nhất, cá nhân tôi đã nhiều lần phản biện, tôi cũng đã đọc các ý kiến đóng góp của cử tri ở khắp nơi.
Nhưng, tôi thấy cơ quan soạn thảo tiếp thu chưa hết, vấn đề quan trọng nhất là vấn đề sách giáo khoa, những vấn đề cải tiến, tên gọi… Tôi cho rằng có lẽ cần phải thảo luận nữa. Mong đợi nhất của tôi là cơ quan chủ quản, cơ quan soạn thảo phải tích cực tiếp thu các ý kiến của các ĐBQH, của các cử tri để sửa đổi một cách thiện chí, hiệu quả và trách nhiệm hơn”.
Đừng để xảy ra lợi ích nhóm
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ chia sẻ về chuyện sách giáo khoa nên dùng 1 lần hay nhiều lần. |
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho biết ông quan tâm đến câu chuyện tiết kiệm xã hội trong chi phí giáo dục. ĐBQH Nguyễn Mai Bộ phân tích về vấn đề này: “Đó là câu chuyện sách giáo khoa dùng một lần hay nhiều lần.
Tôi lấy ví dụ ở cá nhân tôi. Trước đây sách giáo khoa anh tôi học rồi sau đó đến lượt tôi học, em tôi cũng học một bộ sách. Như vậy, chi phí tiết kiệm rất nhiều. Cần phải mổ xẻ, chứ đừng để xảy ra chuyện lợi ích nhóm trong hoạt động biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Tôi nghĩ đây là điều rất cần thiết. Dư luận cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Chưa kể, mỗi năm thay một bộ rất lãng phí”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mai Bộ cho biết hiện nay ông vẫn đang đứng lớp, nếu cho rằng học viên tự nghiên cứu, nhưng không có thầy cô giảng giải, định lượng một số kiến thức cơ bản thì điều này không đạt.
“Theo tôi, vẫn cần phải có thầy giảng, rồi sau đó, trên cơ sở giao cho người học phải làm bài tập… Làm sao bảo đảm giáo dục con người Việt Nam đào tạo trở thành con người Việt Nam, trong đó đạo đức làm người cực kỳ quan trọng” - Ông Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.
Nói đến đây, ông Nguyễn Mai Bộ cũng bày tỏ nỗi buồn, ông cho rằng hiện nay đạo đức đang ngày càng xuống cấp, khi đạo đức xuống cấp thì sẽ dẫn tới đảo lộn xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH khác cũng cho hay mình đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này. Tại phiên thảo luận ngày mai, các đại biểu cũng sẽ đưa ra những ý kiến của mình trước nghị trường.
Cần bổ sung giải pháp Liên quan đến các vấn đề nóng của ngành giáo dục, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - nhấn mạnh: “Trong Luật Giáo dục cần phải bổ sung giải pháp để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây tổn hại đến học sinh sinh viên, làm ảnh hưởng đến tư tưởng đạo đức lối sống mà xã hội, công luận đã lên tiếng”. |
Thanh Lam - Công Luân