Theo VTV News, ngoài những bệnh điển hình do bia rượu gây ra như ngộ độc rượu cấp tính khi sử dụng quá nhiều rượu, viêm gan mạn tính, xơ gan, viêm tụy cấp ở những người uống rượu thường xuyên, rượu bia còn gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe. Người sử dụng thường xuyên có thể tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư gan, ung thư đại tràng, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, do đó rất dễ bị nhiễm trùng. Đặc biệt, những người nghiện rượu dễ mắc lao phổi...
Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh, do đó sử dụng nhiều rượu bia có thể gây ra một số các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, làm gia tăng các ý tưởng tự sát hoặc xu hướng tấn công. Người nghiện rượu dễ bị kích động, thần trí không ổn định và trở nên bạo lực.
Đã có những trường hợp giết người rất đau lòng chỉ vì sử dụng bia rượu dẫn tới không tự kiểm soát được hành vi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 0,05g/100ml (tương đương với uống 2 cốc bia) có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không sử dụng rượu, bia.
Để hạn chế điều này, những điểm mới trong Bộ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã quy định:
- Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
- Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Không được mở mới điểm bán rượu, bia trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế và trường học.
- Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Cấm quảng cáo rượu, bia trên TV và radio trong thời gian từ 18h00 đến 21h00 giờ hàng ngày, và trước, trong hoặc sau các chương trình dành cho thiếu nhi, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đã và đang là một trong những nguyên nhân chính, đáng báo động gây nên tai nạn giao thông hiện nay.
Theo quy định, khi điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) mà trong hơi thở có nồng độ cồn dù ở mức nào cũng có thể bị phạt tiền, kèm theo đó là tước giấy phép lái xe (GPLX) đến 2 năm.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt đối với các vi phạm của người điều khiển giao thông sử dụng rượu, bia, có nồng độ cồn để thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, chỉ cần uống rượu, bia (dù uống ít) có nồng độ cồn điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông cũng bị xử phạt.
Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt liên quan đến hành vi điều khiển xe máy có nồng độ cồn.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, Nghị định này thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
3 mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe máy
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, hành vi điều khiển mô tô, xe máy (gồm cả xe máy điện) mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 2-8 triệu đồng. Ngoài ra còn bị tước GPLX từ 10-24 tháng.
Cụ thể, tại Điều 6 của Nghị định này quy định rõ 3 mức xử phạt như sau:
Mức 1, phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 10-12 tháng.
Mức 2, phạt tiền từ 4 đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 16-18 tháng.
Mức 3, phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 22-24 tháng.
Ngoài ra, nếu người điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền ở mức “kịch khung”, tức là phạt tiền đến 8 triệu, tước GPLX đến 24 tháng.
Nồng độ cồn bao nhiêu thì bị giữ xe?
Khoản 1 Điều 82 Nghị định 100 quy định, tất cả hành vi vi phạm về nồng độ cồn đều bị tạm giữ xe. Thời hạn tạm giữ xe tối đa sẽ là 7 ngày.
Cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia theo hướng dẫn tại Khoản 1 Phần I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 4946/QĐ-BYT ngày 26/11/2020:
Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi)
Ví dụ: chai bia 330ml và nồng độ cồn 5% sẽ có số gam cồn là:
330 x 0,05 x 0,79 = 13g; tương đương 1,3 đơn vị cồn.
Như vậy, một đơn vị cồn tương đương với:
- 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330 ml (5%);
- Một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml (4,5%);
- Một cốc bia hơi 330 ml (4%);
- Một ly rượu vang 100 ml (13,5%);
- Hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%).
Như vậy, chỉ cần uống bất kỳ một lượng nhỏ rượu hoặc bia thôi, thì nhất định, bạn không được điều khiển mô tô, xe máy, kể cả xe máy điện để tránh những vấn đề, sự việc ngoài ý muốn có thể xảy ra.
Luôn luôn ý thức xây dựng văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”
Văn hoá sử dụng rượu bia trong dịp Tết đã có từ bao lâu nay, góp phần đem đến niềm vui ngày Tết. Tuy nhiên, hành vi lái xe khi đã uống rượu bia lại đem đến “cơn ác mộng” cho rất nhiều người, gia đình và xã hội.
Theo Pháp luật Việt Nam, dịp cao điểm Tết, lưu lượng giao thông tăng cao, các hoạt động lễ hội, tiệc tùng, liên hoan diễn ra với tần suất lớn. Thị trường rượu bia cũng có nhiều khuyến mại, quảng cáo nở rộ, nhằm kích thích nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, cũng khiến người dân dễ dàng mua rượu bia để sử dụng. Số lượng người sử dụng rượu bia đều tăng cao, khiến số lượng vi phạm cũng tăng theo.
Nguyên nhân được cho là do một số địa phương chưa chủ động điều tra, bám sát địa bàn ăn uống, chưa thay đổi phương pháp tuần tra. Hơn nữa, cũng có nhiều người tham gia giao thông có hành vi chống đối lực lượng chức năng.
Chế tài đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi đang điều khiển phương tiện hiện nay vẫn chỉ là phạt tiền và một số phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe. Trong khi đó, pháp luật nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp quản trị như quy định lứa tuổi, khu vực được phép bán, giờ mở cửa... đối với mặt hàng rượu bia; hay xử lý hình sự như phạt tù, phạt cải tạo.
Để ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, có nhiều giải pháp, sáng kiến của người dân, lực lượng chức năng, nhưng để hoàn thiện và đưa vào hệ thống pháp luật thì cần thời gian, lộ trình. Làm sao phải áp dụng, tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT tới từng đối tượng, vùng miền, trình độ dân trí bằng những cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ thực hiện.
Tuy nhiên vấn đề chính là cần xây dựng được văn hoá sử dụng rượu bia, theo đó tập thói quen cho người dân không lái xe khi đã uống rượu bia để có ngày Tết vui vẻ, an toàn.
Các chuyên gia cho rằng, việc xử phạt nghiêm góp phần xây dựng văn hoá “nói không” với rượu bia khi lái xe, cùng với các giải pháp tuyên truyền vận động thay đổi nhận thức người dân, nâng cao ý thức pháp luật giao thông. Chính trong gia đình cũng cần giáo dục lẫn nhau để đảm bảo an toàn, tránh những tai nạn không đáng có. Một ví dụ đơn giản như vợ chồng cùng đi chúc tết, chồng uống thì vợ không uống, để lái xe đưa cả 2 về nhà an toàn. Thay đổi nhận thức từ thay đổi những suy nghĩ, hành vi đơn giản sẽ tạo ra những thói quen mới, hình thành văn hóa trong gia đình, xã hội.
Sau khi uống rượu bia, nồng độ cồn đạt đỉnh cao nhất khi nào?
Thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, không có câu trả lời hoàn toàn chính xác cho câu hỏi sau bao lâu thì nồng độ cồn về 0 bởi tùy vào từng trường hợp mà thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn như sau: một đơn vị cồn tương đương với 10 g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200 ml bia; 75 ml rượu vang (một ly); 25 ml rượu mạnh (một chén). Tùy vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Với người trưởng thành có sức khỏe bình thường thì cứ sau một tiếng, gan sẽ đào thải được một đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình, tùy theo thể trạng khác nhau quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi, như các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo. Ngoài ra, sau khi đã thải trừ rồi, gan cần ba tiếng nữa để nồng độ cồn trong máu về 0.
Nồng độ cồn lên cao nhất khi nào?
Trả lời trên Zingnews, ThS.BS Lê Thị Phương Thảo, phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, rượu đưa vào cơ thể được hấp thu 10% ở dạ dày, số còn lại ở ruột non. Nồng độ hấp thu rượu đạt đỉnh sau khi uống 30-90 phút. Thời gian hấp thu phụ thuộc vào trạng thái no - đói.
Chẳng hạn, khi no, nồng độ cồn hấp thu chậm hơn. Ngược lại, nếu uống rượu lúc đói, rượu nhanh ngấm vào cơ thể hơn.
Rượu có thể tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể nên khi được hấp thu vào hệ tuần hoàn, rượu được phân bố tới não và toàn bộ các mô. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác trong cơ thể…
Trong trường hợp cần uống rượu, mọi người không nên uống quá 5 ngày/tuần. Nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày. Con số này đối với nữ là một đơn vị cồn/ngày. 2 đơn vị cồn tương ứng với 1-1,5 chai, lon bia; 2 cốc bia; 2 ly rượu vang và 2 ly rượu 40 độ.
Bảo vệ sức khỏe lá gan dịp lễ Tết
Lá gan đảm nhận nhiều chức năng quan trọng với cơ thể con người, được ví như nhà máy lọc máu, trung tâm thải độc của cơ thể. Nhịp sống hiện đại tác động lớn tới con người, sinh ra những thói quen thiếu khoa học khiến gan phải tăng cường hoạt động và dễ gây tổn thương. Việc lạm dụng rượu bia, chất kích thích gây hại nghiêm trọng tới gan.
Theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Đi cùng với đó là tỷ lệ người mắc các bệnh mạn tính, đặc biệt nhóm bệnh gan mật liên tục tăng.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO vào năm 2016 cho thấy bia rượu là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Đây là nguyên nhân khiến 3,3 triệu người tử vong mỗi năm, trong đó 50% ca tử vong do nguyên nhân xơ gan.
Lý giải việc rượu gây hại cho gan, các nghiên cứu chỉ ra khi rượu đi vào cơ thể, nó được hấp thu nhanh với 20% tại dạ dày, 80% tại ruột non. Rượu được hấp thu toàn bộ sau khoảng 30-60 phút. Sau cùng, rượu được chuyển hóa chủ yếu tại gan. Do đó, nếu uống rượu quá nhiều, uống liên tục khiến gan phải căng mình làm việc, không thể đào thải toàn bộ chất độc và gây hại tới các tế bào gan.
Cuối năm, tiệc tất niên, liên hoan tổng kết liên miên, tiệc Giáng sinh, năm mới khiến không ít người nhập viện do quá chén. Bên cạnh việc uống nhiều rượu, bận rộn với công việc dịp cuối năm cũng khiến lịch trình sinh hoạt bị đảo lộn. Nhiều người thức khuya, dậy muộn, bữa trưa có thể thành bữa tối, thậm chí bỏ bữa. Có một số trường hợp ăn quá nhiều dẫn tới khó tiêu, lượng amoniac chuyển hóa từ đạm không được gan chuyển hóa hết nên ít nhiều gây ảnh hưởng cho cơ thể.
Dân Trí dẫn lời PGS.TS.BSCKII, TTND Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia Gan mật tại Thu Cúc TCI cho biết, men gan tăng cao là dấu hiệu cảnh báo tế bào gan đang bị phá hủy. Tình trạng men gan tăng cao nếu diễn ra trong thời gian dài dễ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như: viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
"Thời điểm cuối năm tiệc tùng nhiều càng khiến gan dễ bị tổn thương. Do đó, mỗi người cần hạn chế lượng rượu bia hấp thụ vào cơ thể. Đồng thời nhận biết sớm các triệu chứng bất thường để thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Thành chia sẻ thêm.
Bác sĩ Thành khuyến cáo, mỗi người nên xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Dịp Tết đến xuân về, khi tụ họp có thể uống chút rượu bia nhưng cần tuân thủ các quy định của pháp luật như đã uống rượu bia thì không lái xe.
Mỗi người có thể uống một lượng vừa đủ, chẳng hạn không quá 330ml bia (1 lon)/ngày. Lá gan có khả năng tái tạo nhu mô bị mất và tự hồi phục. Vì vậy, với lượng rượu bia có độ cồn nhẹ và uống ít, gan vẫn có thể xử lý và tái tạo. Nghiên cứu cho thấy, khi khối lượng nhu mô hao hụt dưới 25% thì khả năng phục hồi ở gan vẫn cao.
Ngoài số lượng ở mức có thể chấp nhận là 330ml bia mỗi ngày, bạn không nên uống liên tục cả tuần. Bên cạnh đó, rau xanh và trái cây tươi cần được bổ sung trong mỗi bữa ăn để cung cấp chất xơ, vitamin cần thiết, hỗ trợ quá trình phục hồi gan.
Mỗi người nên dành 20-30 phút mỗi ngày để vận động, tập luyện thể dục thể thao. Việc tập luyện giúp cơ thể thêm dẻo dai, săn chắc đồng thời nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể. Từ đó, bạn có thể ngăn ngừa các tác động tiêu cực tới gan.
Cuối năm là thời điểm mọi người tất bật với công việc nên thường có chế độ sinh hoạt không hợp lý. Điều này khiến gan phải hoạt động quá sức, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của gan. Vì vậy, mỗi người nên cân bằng, sắp xếp các công việc hàng ngày hợp lý để có thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc.
Theo bác sĩ Thành, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, đau ách hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt… mỗi người cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng.
Cách giải rượu, giảm nồng độ cồn
Để nhanh giải rượu, giảm nồng độ cồn trong máu, bạn có thể áp dụng một vài cách sau:
Sử dụng trái cây sau khi uống bia rượu, tốt nhất là trái cây họ cam, quýt bằng cách ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu.
Uống nước gừng tươi. Đây là loại thực phẩm không chỉ được dùng trong chế biến món ăn mà còn “góp mặt” trong nhiều bài thuốc dân gian. Nước gừng có tính nóng có thể giảm các triệu chứng đau nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa,… ở người say rượu.
Ngoài ra, vỏ quýt phơi khô trong đông y còn gọi vị thuốc trần bì, có thể giải rượu. Bạn dùng 30g vỏ quýt sao thơm tán vụn, mơ chua hai quả bỏ hạt thái vụn, đem sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống, có thể thêm gừng tác dụng nhanh hơn.
Giải rượu với rau má cũng được, bằng cách dùng 100g rau má tươi, hai quả chanh, 1g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối, mỗi lần uống 150-300 ml.
Có thể dùng một quả chanh tươi, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả. Uống nhiều nước sau khi uống rượu là biện pháp đơn giản để giải rượu.
Khi uống rượu, bạn nên ăn đầy đủ, không để bụng rỗng, uống từ từ giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, gan kịp oxy hóa, ăn nhiều rau xanh.
Cách tốt nhất để nhanh giảm nồng độ cồn trong máu là uống ít rượu hơn. Lưu ý, khi uống rượu, tuyệt đối không được pha rượu với nước tăng lực, nước ngọt hay uống bia và rượu cùng lúc vì sẽ gây hấp thu nhanh hơn, đặc biệt nước tăng lực gây tỉnh táo giả, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.
Thùy Dung(T/h)