Liên quan tới việc lâm tặc phá rừng phòng hộ tại thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa cho biết, đơn vị đang làm rõ trách nhiệm những người liên quan, vì khối lượng gỗ đủ cơ sở xem xét khởi tố vụ án.
Kết quả chưa chính xác
Sau khi báo VietNamNet có loạt bài phản ánh lâm tặc phá rừng phòng hộ tại thôn Cụt Ạc, Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa đã chỉ đạo Hạt trưởng kiểm lâm huyện Thường Xuân báo cáo UBND huyện, xã Xuân Chinh phối hợp tổ chức kiểm tra, xác minh.
Theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa, thông tin ban đầu sau khi kiểm tra cho biết, từ ngày 23/7, trạm kiểm lâm Bù Đồn phối hợp với UBND xã Xuân Chinh kiểm tra và phát hiện tại lô 7, khoảnh 1, tiểu khu 544 bị khai thác trái phép 3 cây gỗ nhóm 6, đã được cắt thành 11 khúc, khối lượng 1,2m3.
Tiếp đó, ngày 26/7, theo tố giác của nhân dân trạm kiểm lâm Bù Đồn và UBND xã lại phát hiện 10 hộp gỗ xẻ (nhóm 6) đang tập kết tại đập tràn thôn Chinh khối lượng 1,2m3; ngày 31/7 lại tiếp tục phát hiện 21 khúc gỗ tròn, khối lượng 3,4m3; ngày 1/8 phát hiện 21 khúc gỗ tròn 2,9m3 đang chuẩn bị đưa xuống suối.
Gỗ nhan nhản suối. Ảnh: L.A |
Cho đến ngày 5/8, trạm kiểm lâm Bù Đồn tiếp tục mở rộng kiểm tra phát hiện tại lô 2, khoảnh 2, tiểu khu 561; lô 3 khoảnh 5, tiểu khu 554 có 11 cây gỗ nhóm 6, trữ lượng 9,1m3 bị khai thác trái phép, gỗ đã được lấy hết khỏi rừng; ngày 16/8, kiểm tra tại suối Cụt Ạc vẫn còn phát hiện 15 khúc gỗ tròn nhóm 6 đang tập kết tại bờ suối, khối lượng 2,3m3.
Như vậy, trong các lần kiểm tra, bắt giữ kiểm lâm và UBND xã đã đưa được hơn 10m3 gỗ về trụ sở UBND xã, còn lại hơn 9m3 gỗ đã bị lấy mất khỏi rừng.
Nguồn tin riêng của VietNamNet, con số báo cáo của Chi cục kiểm lâm vẫn chưa chính xác, thực tế, số lượng gỗ còn rất nhiều. Phóng viên đã mục sở thị, có khoảnh rừng lâm tặc đã chặt tới hàng chục gốc, chưa kể đến việc càng đi sâu vào bên trong diện tích phá càng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế (Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa) cho biết, báo nêu là có cơ sở. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra trên vẫn chưa chính xác. Hiện tại, Chi cục vẫn đang chỉ đạo
“Với khối lượng gỗ như thực tế là đã đủ cơ sở xem xét khởi tố vụ án. Tuy nhiên, đây chỉ mới có dấu hiệu, cần phải xem xét lại đối tượng (rừng) trên thuộc loại rừng gì, phải được xác minh kỹ lưỡng trên GPS mới có đủ cơ sở”, ông Vân cho biết.
Làm rõ trách nhiệm
Liên quan tới việc để xảy ra phá rừng trên, ông Vân cho biết, sẽ xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo đúng quy định pháp luật. Hiện nay, Chi cục cũng đang làm rõ từng các nhân, tập thể liên quan, nhất là đầu nậu phá rừng.
Kết quả xác minh ban đầu của Chi cục kiểm lâm. Ảnh: L.A |
Cụ thể, trước tiên phải làm rõ trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn. Theo ông Vân, để diễn ra thực trạng trên chứng tỏ kiểm lâm địa bàn không nắm bắt được địa bàn.
Hơn nữa, việc UBND xã “cấp phép” cho các hộ dân khai thác là hoàn toàn sai, song theo ông Chủ tịch xã này, có cả kiểm lâm địa bàn đi khảo sát, xác nhận số cây, khoảnh rừng.
Tiếp theo làm rõ trách nhiệm trạm kiểm lâm Bù Đồn về việc quản lý. Thực tế, việc khai thác đã kéo dài hơn một tháng, xong đến khi rừng “tan nát” mới phát hiện ra, hay cố tình không phát hiện?.
Bởi theo thông tin, trung bình mỗi tuần có vài lượt xe ô tô vào bốc gỗ ra ngoài, người dân đã gọi điện báo tin, song suốt thời gian trên, trạm kiểm lâm không hề bắt được một xe gỗ nào!?. Và cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu là Hạt trưởng hạt kiểm lâm liên quan tới công tác tham mưu.
Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo Hạt kiểm lâm tham mưu cho UBND huyện xem xét trách nhiệm của chủ tịch xã về việc “cấp phép” khai thác gỗ trái phép; ban chỉ đạo về kế hoạch bảo và phát triển rừng, trưởng thôn và các hộ gia đình được giao rừng để rừng bị khai thác trái phép nhưng chưa có biện pháp đấu tranh ngăn chặn.
Từ thực trạng trên, dư luận cho rằng, lâm tặc phá rừng công khai là có sự tiếp tay của kiểm lâm? Và việc “bất lực” của kiểm lâm dẫn đến thời gian qua có rất nhiều rừng phòng hộ, đầu nguồn trên địa bàn bị chặt phá, cụ thể VietNamNet đã phản ánh.
Lý giải về điều này, ông Vân cho rằng, lực lượng kiểm lâm hiện nay rất mỏng. Với diện tích 700.000ha rừng, nhưng chỉ có hơn 300 cán bộ kiểm lâm. Do vậy, rừng bị tàn phá là do chính quyền địa phương làm ngơ không vào cuộc. Khi họ đã đồng loạt vào cuộc, sẽ không ai dám phá rừng nữa.
“Còn việc tiếp tay, nhận hối lộ như dư luận phản ánh, chúng ta cũng chỉ biết với nhau như thế, nhưng thực tế không có cơ sở nào để chứng minh, đây cũng là điều rất khó để chúng tôi kiểm soát.
Chúng tôi cũng đã báo cáo với UBND tỉnh, Sở NN - PTNT để có hướng chỉ đạo. Sau khi có kết luận cuối cùng, căn cứ vào đó sẽ xử lý nghiêm đúng người, đúng tội theo pháp luật”, ông Vân cho biết.