(ĐSPL) – Hành vi của ông Lê Đức Hải, Trưởng Trạm kiểm soát QL1A, thuộc Đội kiểm lâm cơ động tỉnh Thanh Hóa đã đầy đủ dấu hiệu để cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh “Nhận hối lộ” theo Điểm a, Khoản 3, Điều 279 Bộ Luật Hình sự.
Lực lượng công an dẫn giải tổ kiểm lâm nghi nhận hối lộ về trụ sở làm việc. |
Theo thông tin từ cơ quan Công an Thanh Hóa, sáng ngày 1/8, trong khi tuần tra trên QL1A (đoạn qua địa phận H.Quảng Xương, Thanh Hóa), tổ công tác của Đội Kiểm lâm cơ động số 1 do ông Lê Đức Hải làm Tổ trưởng đã tiến hành kiểm tra ô tô mang BKS 37C-060.12 từ Nghệ An ra.
Lực lượng kiểm lâm đã phát hiện ngoài 22 m3 gỗ cẩm lai (nhóm 1) có chứng từ, trên xe còn chở 1,520 m3 gỗ giáng hương (nhóm 1) không rõ nguồn gốc. Tổ công tác đã yêu cầu tài xế đưa xe về trụ sở của đội ở số 305A Bà Triệu, P.Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa để giải quyết. Tại đây, ông Lê Đức Hải đã đòi chủ xe gỗ phải đưa 100 triệu đồng cho tổ công tác để được bỏ qua lỗi vi phạm. Chủ xe gỗ đã đồng ý và hứa đến chiều sẽ giao tiền.
Chiều cùng ngày, tổ công tác của ông Lê Đức Hải tiếp tục đi tuần tra kiểm soát và phát hiện xe khách mang BKS 65L-2894 vận chuyển động vật hoang dã, nên áp tải chiếc xe này về trụ sở để xử lý. Khi chiếc xe khách vừa về đến cổng Đội Kiểm lâm cơ động số 1, bất ngờ một nhóm hành khách trên xe (thực chất là cảnh sát hóa trang) nhảy xuống xe, dùng súng khống chế một số kiểm lâm viên, bắt quả tang ông Lê Đức Hải đang nhận tiền hối lộ của chủ xe gỗ (không phải nhận tiền từ chủ buôn bán động vật hoang dã). Ông Lê Đức Hải sau đó đã chạy lên tầng 2 của trụ sở và ném bọc tiền vào chậu cây cảnh ở hành lang. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát đã bắt được ông Hải, thu hồi toàn bộ tang vật liên quan.
Liên quan đến vụ việc, Luật sư Cao Xuân Vượng – Công ty Luật TNHH VMF nhận định, hành vi của ông Lê Đức Hải, Trưởng Trạm kiểm soát QL1A, thuộc Đội kiểm lâm cơ động tỉnh Thanh Hóa đã đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội “Nhận hối lộ” theo Điều 279 Bộ Luật Hình sự. Bởi vì, theo quy định của pháp luật Hình sự tội “Nhận hối lộ” chỉ cần thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể và hành vi là đã đủ cấu thành tội phạm.
Luật sư Cao Xuân Vượng. |
Theo Luật sư Vượng phân tích, chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn. Ở vụ việc trên ông Lê Đức Hải vừa là Trưởng Trạm kiểm soát QL1A, thuộc Đội Kiểm lâm cơ động vừa là Tổ trưởng Tổ kiểm tra xe chở gỗ hôm đó, rõ ràng ông Hải là người có chức vụ, quyền hạn, là người có điều kiện thuận lợi để thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.
Về hành vi theo quy định của pháp luật, người phạm tội nhận hối lộ là người có hành vi nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất của người đưa hối lộ; hoặc chỉ cần có sự thoả thuận trước về việc nhận và đưa hối lộ giữa người có chức vụ, quyền hạn và người đưa hối lộ nhằm nhận được một lợi ích nào đó.
Đối với vụ việc trên, ông Hải vừa có sự thỏa thuận và vừa nhận trực tiếp từ ông chủ xe gỗ với số tiền 100 triệu đồng để đồng ý “bỏ qua lỗi vi phạm” của chủ xe chở gỗ, rõ ràng điều này hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu về hành vi phạm tội của tội nhận hối lộ.
Về mức phạt, Luật sư Vượng nêu quan điểm, với giá trị tài sản hối lộ là 100 triệu đồng thì ông Lê Đức Hải có khả năng bị phạt theo điểm a, Khoản 3, Điều 279 Bộ Luật Hình sự với mức phạt là từ 15 năm đến 20 năm tù./.
Theo Điều 279 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì Tội nhận hối lộ được quy định như sau: “1.Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: ............. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: A) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; ....” |