+Aa-
    Zalo

    Rơi nước mắt trước nghị lực sống phi thường của người phụ nữ hơn 10 năm ung thư máu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 11 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu quái ác, chị Nguyễn Thị Thắm cho biết mình chưa bao giờ đầu hàng số phận.

    11 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu quái ác, chị Nguyễn Thị Thắm cho biết mình chưa bao giờ đầu hàng số phận. Kể cả lúc thập tử nhất sinh, chị vẫn ước mình có thật nhiều tiền để san sẻ khó khăn cho những bệnh nhân khác...

    Chị Nguyễn Thị Thắm và nhóm thiện nguyện Trái tim hồng trao quà tặng cho trẻ em vùng cao.

    Sẵn sàng hành trang để bước sang thế giới khác

    Đó là tâm nguyện duy nhất của chị Nguyễn Thị Thắm (SN 1972, ở phường Nam Cường, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai), người phụ nữ đã 11 năm chống chọi với căn bệnh ung thư máu.

    Nhiều lần thần chết gõ cửa vì căn bệnh quái ác, chị Thắm dường như đã không còn hoảng loạn khi nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào đó mình đột ngột mất đi sự sống. Phát hiện bệnh từ năm 2009, chị nghẹn ngào khi hồi tưởng về quãng thời gian này: “Nguyên một tháng đầu sau khi biết mình mắc bệnh, tôi suy sụp đến mức nghĩ rằng sẽ buông bỏ tất cả, bầu trời hy vọng như sập xuống trước mắt. Ngày đầu tiên vào viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tôi gặp một bệnh nhân quê Thanh Hóa đã yếu đến mức không thể nói được, không có người thân chăm sóc nhưng vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật. Nhìn lại thấy mình vẫn còn may mắn vì luôn có gia đình, chồng và hai con ở bên động viên, chia sẻ. Khi ấy, tôi biết rằng mình cần phải sống tiếp, quyết tâm điều trị bệnh vì chặng đường sắp tới sẽ không hề cô đơn”.

    Chị Thắm tâm sự, năm 2012, 2013 là giai đoạn bệnh nặng nhất, bệnh viện đã mấy lần trả về. Bác sĩ chẩn đoán chị bị bạch cầu cấp dòng tụy, cần phải hóa trị và thay tụy nhưng cơ thể bị kháng thuốc, lúc đó chị và gia đình như rơi vào vực sâu tuyệt vọng. Chị Thắm nhớ lại: “Đợt ấy trông tôi sợ lắm, da dẻ lúc nào cũng trong tình trạng bủng beo, phù nề, vàng vọt cắt không ra máu. Có những lúc đang nằm tự nhiên máu chảy ra nhiều đến nỗi không cầm lại được, tưởng chừng có thể ra đi ngay”. Để có tiền điều trị, gia đình chị Thắm phải chạy vạy khắp nơi, nhà có cái gì là bán hết, công việc của hai vợ chồng dang dở nên thu nhập cũng bấp bênh, nợ cũ chưa trả đã sinh nợ mới, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Không muốn chồng con thêm phần lo lắng, chị Thắm luôn giấu nhẹm những lúc đau đớn, mệt mỏi sau mỗi lần hóa trị.

    Năm 2014 may mắn đã mỉm cười với gia đình chị, sau rất nhiều nỗ lực của các bác sĩ viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cùng với những nguồn lực cuối cùng có thể huy động để điều trị thì sức khỏe của chị Thắm bắt đầu ổn định trở lại. Biết mình vừa vượt qua cửa tử, người phụ nữ ấy như tìm được nguồn sống mới: “Cái chết tôi cũng đương đầu rồi thì chẳng có gì khiến mình sợ hãi hơn nữa. Giờ tôi phải sống thật lạc quan, vô tư để cùng chồng làm việc trả nợ, đồng hành với những bệnh nhân khó khăn trên hành trình giành lấy sự sống”, chị Thắm bộc bạch.

    Từ đó đến nay, chị Thắm vẫn tin điều kỳ diệu đã xảy ra nhưng hơn ai hết chị là người hiểu rõ tình trạng sức khỏe và căn bệnh của mình: “Quần áo và tư trang cho đám tang tôi đã sắm đủ từ những năm thập tử nhất sinh rồi. Tôi vẫn luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để bước sang một thế giới khác bất cứ lúc nào, chủ động đón nhận mọi thứ, không sợ hãi cũng chẳng hối hận vì tôi đã sống hết mình một cách ý nghĩa”.

    Chị Thắm luôn giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khác.

    Cho đi tấm lòng để nhận lại yêu thương

    Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từ lâu đã trở thành ngôi nhà thứ hai của những bệnh nhân mắc các bệnh về máu như chị Thắm. Có lẽ vì thế mà chị Thắm – Trưởng nhóm và những người trong nhóm thiện nguyện Trái tim hồng vẫn luôn hướng về nơi đây, cùng các bác sĩ nỗ lực giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, hy vọng họ sẽ có thêm một cơ hội để sống.

    “Trái tim hồng xuất hiện một cách rất tình cờ, có lẽ đó cũng là cái duyên. Khi ấy là ngày 20/10/2009, trong khi tivi rầm rộ kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam thì phòng bệnh của tôi toàn chị em phụ nữ, nghèo khó, bệnh tật nên chẳng có gì, có người còn thân cô thế cô, buồn lắm. Thế là tôi với một người nữa góp nhau được mấy chục nghìn chạy xuống cổng mua 10 bắp ngô, nửa cân bỏng ngô và 1 cân khoai lang cho mấy chị em trong phòng liên hoan ngày 20/10. Món quà rất nhỏ thôi nhưng mọi người vô cùng phấn khởi và hạnh phúc. Thấy vậy, những ngày sau đó hai chị em lại tiếp tục gom góp tiền, bớt tiền thuốc thang, ăn uống để mua đồ ăn cho những người khó khăn hơn, khi thì nắm xôi, khi cái bánh mỳ. Cứ như vậy rồi đến năm 2013, nhiều người biết đến ngỏ ý cùng tham gia, có những người vẫn gắn bó đến tận bây giờ”, chị Thắm chia sẻ cơ duyên đến với thiện nguyện.

    Đối với người phụ nữ này được chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn là niềm vui.

    Xuất phát từ tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, công việc thiện nguyện của chị Thắm từ hoạt động tự phát thì giờ đây đã hình thành nhóm thiện nguyện Trái tim hồng, hoạt động định kỳ, có tới trên 200 thành viên đủ lứa tuổi, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước. “Có những mạnh thường quân đã hỗ trợ kinh phí cho nhóm vài năm nay nhưng chưa bao giờ xuất hiện, họ làm việc tốt một cách thầm lặng, chẳng mưu cầu bất kỳ sự tán dương nào. Nhờ những người như họ mà từ năm 2016 trở lại đây, nhóm tôi có thêm kinh phí tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa hơn như: Trung thu cho em, Đông ấm cho trẻ em vùng cao, hội chợ Tết 0 đồng”, chị Thắm bày tỏ sự biết ơn.

    Chị Thắm tâm sự: “Bệnh nhân ở viện máu ai cũng khó khăn cả, tôi từng chứng kiến có những người mất mà không có đủ tiền để về quê, không mua nổi một ít tiền vàng chứ chưa nói đến việc làm đám tang, đóng quan tài. Ai vào đây cũng đều cùng cực cả, nhà cửa sạch bách vì bệnh tật nhưng biết làm thế nào được, còn nước còn tát, còn người là còn của mà”. Có lẽ vì vậy mà chị Thắm và nhóm thiện nguyện của chị vẫn cố gắng giúp đỡ những bệnh nhân trong viện, khi là bữa quà sáng, khi lại bữa cơm trưa, của ít lòng nhiều, như một cách để động viên tinh thần cho cả chị và những người được giúp đỡ vơi đi một phần gánh nặng.

    Hơn chục năm làm thiện nguyện có lẻ, người phụ nữ từng chạm mặt với cửa tử ấy giờ đây luôn hoan hỉ và lạc quan. Kể cả lúc thập tử nhất sinh chị vẫn ước mình có thật nhiều tiền để mua quà sáng và chia sẻ cho bệnh nhân, giá trị nhỏ góp lại sẽ thành to, nhiều nhóm nhỏ làm thì sẽ tạo ý nghĩa lớn. Một ngày nào đó chị vô thường, chị chỉ ước các nhà hảo tâm vẫn tiếp tục giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn để họ luôn giữ được nụ cười và có thêm nghị lực. Chị Thắm không mưu cầu gì cho bản thân mà luôn đau đáu một nỗi trăn trở là làm sao cho nhóm thiện nguyện Trái tim hồng “sống mãi” kể cả khi chị không còn.

    Hải Yến

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (108)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/roi-nuoc-mat-truoc-nghi-luc-song-phi-thuong-cua-nguoi-phu-nu-hon-10-nam-ung-thu-mau-a330191.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan