Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa hậu COVID-19
Cơ chế SARS-CoV-2 gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa chưa được lý giải chi tiết nhưng đã có một số cơ sở để đưa ra các giả thuyết. Các tế bào biểu mô ở nhiều vị trí trong đường tiêu hóa biểu hiện ở mức cao thụ thể ACE2 (cùng một loại protein là serine protease TMPRSS2) là cánh cửa quan trọng cho sự xâm nhập của SARS-CoV-2 gây tổn thương trực tiếp cho đường tiêu hóa.
Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân khỏi COVID-19 dễ bị thay đổi thành phần vi khuẩn ruột, giảm vi khuẩn có lợi, tăng vi khuẩn có hại. Sự mất cân bằng này khiến phản ứng cơ thể nặng do vi sinh đường ruột ảnh hưởng hệ thống miễn dịch. Ví dụ làm mức độ phản ứng viêm nặng hơn hoặc góp phần gây ra bão cytokine, Tri thức trực tuyến thông tin từ TS.BS Trương Thị Tuyết - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai và TS Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM).
Cách điều trị tiêu chảy hậu COVID-19
Tiêu chảy hậu COVID-19 có thể sẽ gây ra tình trạng mất nước nguy hiểm. Mất nước nhẹ rất thường gặp và được phục hồi nhanh chóng bằng việc uống nhiều nước, bù dung dịch điện giải. Tuy nhiên, tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể sẽ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, bởi tất cả cơ quan trong cơ thể đều cần một lượng dịch nhất định để thực hiện chức năng của chúng.
Các triệu chứng mất nước ở bệnh nhân tiêu chảy hậu COVID-19 thường bao gồm: Mệt mỏi, chóng mặt hay đầu óc quay cuồng, đau đầu, chuột rút, mắt trũng, tiểu ít, khô miệng và lưỡi, yếu người và trở nên kích thích.
Các triệu chứng của mất nước nặng bao gồm: Mất ý thức, nhịp tim tăng nhanh, hôn mê và tiểu rất ít. Do đó, khi bị tiêu chảy hậu COVID-19, việc bổ sung đủ nước và điện giải là quan trọng nhất.
Trong đại đa số các trường hợp, mất nước do tiêu chảy (với bất kỳ nguyên nhân nào) đều có thể được điều trị hiệu quả bằng oresol (ORS). Tiêu chảy hậu COVID-19 cũng cần được bù dịch bằng oresol.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc như loperamid, diphenoxylate, spasmaverine. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc trị tiêu chảy khi có chỉ định của bác sĩ.
Đối với các trường hợp tiêu chảy kèm sốt, đau bụng quặn từng cơn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng lẫn nhày máu, nôn mửa nhiều hoặc tiêu chảy dữ dội và liên tục 20-50 lần/ngày, phân toàn nước như nước vo gạo cần nhập viện ngay để điều trị kháng sinh.
Người bệnh nên tuân thủ các nguyên tắc sau: ăn chín - uống nước đã đun sôi, ăn nhiều rau xanh, ửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh môi trường sống xung quanh, có thể uống nước trái cây bổ sung thêm vitamin C và điện giải, Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS. Đặng Xuân Thắng - Trường Đại học Y Dược - Đại học Duy Tân Đà Nẵng.
Cách điều trị táo bón hậu COVID-19
BS Trần Quang Bính - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trao đổi với VnEpress, để tránh táo bón, trước hết cần cải thiện chế độ ăn, sử dụng nhiều rau củ quả có chất xơ giúp quá trình tiêu hóa và co bóp dạ dày thuận lợi khi đại tiện.
Bên cạnh đó, người bệnh giữ tinh thần lạc quan, tích cực, tránh căng thẳng, sợ hãi khi không may mắc COVID-19. Theo cơ chế bảo vệ cơ thể, khi bị stress cơ thể sẽ kích hoạt ưu tiên bảo vệ chức năng cho hệ thần kinh, tuần hoàn, nội tiết chứ không phải hệ tiêu hóa. Chính vì không nằm trong diện ưu tiên hàng đầu, chức năng tiêu hóa hoạt động chậm lại góp phần gây táo bón.
Bác sĩ khuyến cáo uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển chất trong cơ thể và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Lượng nước không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể rất dễ gây táo bón. Mặt khác, người bệnh ít vận động, nằm một chỗ thì nhu động ruột ít được kích hoạt dẫn đến khó đại tiện. Như một vòng luẩn quẩn, yếu tố nguy cơ này sẽ kéo theo yếu tố nguy cơ khác, ví dụ tác dụng phụ của thuốc điều trị COVID-19, hệ tiêu hóa bị rối loạn và cuối cùng táo bón tiếp tục kéo dài, trở nặng.
Táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí có thể phải phẫu thuật. Vì vậy, bác sĩ khuyên khi có dấu hiệu táo bón, người bệnh cần điều trị ngay.
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị tối ưu từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và có thể phối hợp xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, chụp chiếu phim, nội soi đại tràng, đo áp lực hậu môn trực tràng, các xét nghiệm chức năng ruột khác... Phương pháp điều trị táo bón có tập vật lý trị liệu phục hồi các phản xạ đại tiện, hướng dẫn các bài tập đại tiện, hướng dẫn cải thiện chế độ sinh hoạt, phản hồi sinh học Valsalva - Kegel, thuốc hỗ trợ...
Ngay khi có dấu hiệu táo bón, người bệnh nên áp dụng biện pháp đơn giản tại nhà như uống nhiều nước, tăng cường chất xơ, không ngồi quá lâu... Thông thường, các biện pháp này sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng táo bón. Nếu áp dụng các biện pháp này vẫn không cải thiện, hoặc người bệnh cảm giác rất khó chịu, thì nên đến gặp bác sĩ.
Linh Chi(T/h)