+Aa-
    Zalo

    Rối loạn thông tin báo chí trong "cơn lũ" mạng xã hội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đưa tin theo mạng xã hội đang trở thành một xu hướng "tác nghiệp" được một số người làm báo theo đuổi, khiến khó kiểm soát thông tin và xác định tính chân thật.

    Đưa tin theo mạng xã hội đang trở thành một xu hướng "tác nghiệp" được một số người làm báo theo đuổi. Điều này dẫn đến việc kiểm soát thông tin và xác định tính chân thật, tin cậy trở nên khó khăn hơn.

    Báo VietnamNet đưa tin, sáng nay ngày 24/10, Ban Tuyên giáo TP.HCM cùng với Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm "Đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong giai đoạn hiện nay".

    Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban tuyên giáo TP.HCM kết luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: báo VietnamNet

    Tại buổi tọa đàm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho hay, báo chí thời đại công nghệ có nhiều điều kiện để phát triển nhưng cũng chịu nhiều thách không nhỏ từ mạng xã hội và sự phát triển của công nghệ.

    Theo bà Thảo, thông tin nhiều chiều trên mạng nhưng không dễ sàng lọc, kiểm chứng. Điều kiện làm việc tốt hơn nhưng cũng dễ tạo cảm giác chủ quan và có thể gây ra những bệnh nghề nghiệp khó lường.

    Cùng vấn đề này, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng cho rằng, mạng xã hội ngày càng phát triển đã đưa báo chí vào cuộc đua khốc liệt trong việc cạnh tranh thông tin.

    Đồng thời, cũng không thể phủ nhận mạng xã hội với nguồn tin đa dạng, bao phủ khắp nơi là công cụ để báo chí khai thác, phát hiện nhiều vấn đề nóng bạn đọc quan tâm. “Tuy nhiên việc săn tin, đưa tin theo mạng xã hội một cách thiếu kiểm chứng, nhất là những người làm báo trẻ và một số tờ báo điện tử làm rối loạn thông tin”, ông Tuyến cho hay.

    Báo Sài Gòn giải phóng thông tin thêm, phát biểu kết luận buổi tọa đàm, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã đánh giá, báo chí góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển TPHCM.

    Liên quan đến vấn đề báo chí với mạng xã hội, bà Thư cho rằng công chúng độc giả cần có cái nhìn khách quan về sự đóng góp của những người làm báo. Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông xã hội đang cạnh tranh quyết liệt với truyền thông chính thống, đòi hỏi người đọc phải tỉnh táo và nâng cao năng lực tiếp nhận, thẩm định tính tin cậy của báo chí và coi báo chí là một kênh thông tin đồng hành và phát triển.

    Để nâng cao vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh của người làm báo, đồng chí Thân Thị Thư cho rằng các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần xây dựng các quy định cụ thể kiểm soát hoạt động của cơ quan báo chí mình phụ trách. Cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

    “Lãnh đạo các cơ quan chủ quản phải phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc lãnh đạo, quản lý”, bà Thư lưu ý. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ quản cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tài chính đối với báo chí làm nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu.

    Đối với đội ngũ người làm báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP nhấn mạnh đến việc chú trọng hơn nữa trong giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Bà Thân Thị Thư cũng dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức của người làm báo; và cho rằng khi đã lựa chọn nghề báo thì phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, phải nhận thức về trách nhiệm xã hội, về sự trung thực, bảo vệ lẽ phải, tôn trọng và chấp hành pháp luật luôn phải được đặt lên hàng đầu.

    Nguyễn Hà(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/roi-loan-thong-tin-bao-chi-trong-con-lu-mang-xa-hoi-a206463.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan