+Aa-
    Zalo

    Rời ghế lãnh đạo vẫn "bỏ túi" nhiều tỷ đồng mỗi tháng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có thể nói những thiệt hại nặng nề của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) hôm nay phần nhiều do Nguyễn Xuân Sơn gây ra.

    Có thể nói những thiệt hại nặng nề của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) hôm nay phần nhiều do Nguyễn Xuân Sơn gây ra. Bởi kết quả điều tra vụ án của Bộ Công an chỉ rõ, cựu Tổng giám đốc OceanBank đã cho ra đời một “cỗ máy” tiêu cực khá đồ sộ và nó cứ thế hoạt động, ngay cả khi người “kiến tạo” không còn trực tiếp vận hành.

    Sử dụng “bóng hồng” thế chân

    Như đã đề cập ở những bài viết trước, ngay khi được tiến cử sang OceanBank nhằm chịu trách nhiệm về phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và giữ cương vị Tổng giám đốc, Nguyễn Xuân Sơn nhanh chóng đưa ra một số “yêu sách” đối với Hà Văn Thắm, khi ấy là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương. Trong đó, đáng chú ý là đề nghị Sơn phải được hưởng riêng trên, dưới 1% lợi ích/năm/tổng số tiền huy động vốn từ PVN.

    Thực hiện thỏa thuận trên, từ năm 2009 đến 2010, cựu Tổng giám đốc OceanBank – Nguyễn Xuân Sơn đã “bỏ túi” xấp xỉ 70 tỷ đồng. Và món lợi ích kếch xù ấy vẫn không ngừng “chảy” vào túi Sơn, ngay cả khi ông này được điều động trở lại PVN để nắm giữ cương vị lãnh đạo của tập đoàn.

    Cụ thể tài liệu điều tra cho thấy, cuối năm 2010, Nguyễn Xuân Sơn rời ghế Tổng giám đốc OceanBank. Để không bị mất quyền lợi riêng, Sơn đề nghị Hà Văn Thắm chấp nhận việc “đôn” Nguyễn Minh Thu (SN 1973, trú ở phố Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội) từ Phó tổng giám đốc lên thay “ghế” của mình, đồng thời phải tiếp tục giao cho tân Tổng giám đốc OceanBank duy trì “luật bất thành văn” như trước.

    Nguyễn Minh Thu, người "thế chân" Nguyễn Xuân Sơn tại OceanBank, 2011 - 2014.

    Tiếp tục bị Sơn o ép, song Thắm buộc phải thỏa hiệp để Nguyễn Minh Thu trở thành người điều hành lớn nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank hiểu rằng phần lớn nguồn vốn huy động khi đó vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống khách hàng ở PVN cũng như các tổng công ty và các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

    Đảm nhận chức vụ thay người tiền nhiệm, Nguyễn Minh Thu sau đó được Thắm giao phụ trách công tác huy động vốn và phải không ngừng thúc đẩy, phát triển khách hàng trong công tác huy động vốn. Thắm tiếp tục ra chủ trương về việc chi tiền ngoài lãi suất huy động vốn đối với khách hàng trong toàn hệ thống OceanBank.

    Triển khai chủ trương của Thắm, Thu bàn bạc và giao các cấp phó của mình chỉ đạo lãnh đạo các khối (ban) thuộc hội sở cũng như lãnh đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống chi lãi ngoài huy động vốn trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động vốn đối với cả tiền VNĐ và USD, theo từng thời kỳ.

    Điều đặc biệt nữa là chủ trương, chỉ đạo của Thắm cũng như việc thực hiện trái pháp luật về tín dụng từ Nguyễn Minh Thu xuống từng cá nhân trong OceanBank không khi nào được ban hành bằng văn bản mà đều thông qua các cuộc họp hoặc trong quá trình chi tiền ngoài lãi suất cho khách hàng.

    Chi ngoài lãi suất hàng nghìn tỷ đồng

    Kết luận điều tra vụ án chứng minh, ngay sau khi tiếp quản chức Tổng giám đốc OceanBank, Nguyễn Minh Thu càng triệt để thực hiện chính sách trả tiền lãi suất ngoài hợp đồng huy động vốn đối với khách hàng, theo từng loại dịch vụ gửi tiền.

    Cụ thể, đối với tiền gửi có kỳ hạn thì tổng giám đốc và lãnh đạo các khối của OceanBank sẽ thông báo cho các giám đốc chi nhánh về mức hỗ trợ. Sau đó, căn cứ vào định mức tiền gửi, các chi nhánh lập danh sách khách hàng gửi tiền và chuyển lên hội sở. Từ đây, hội sở sẽ kiểm tra, duyệt chi tiền lãi ngoài lãi suất huy động và các cá nhân tại các phòng giao dịch hoặc quỹ tiết kiệm sẽ chi tiền cho khách hàng.

    Còn đối với loại hình huy động vốn không kỳ hạn, Nguyễn Minh Thu là người kiểm soát, phê duyệt, trực tiếp chi tiền và chỉ đạo chuyển tiền cho giám đốc các chi nhánh để chi trả cho khách hàng. Riêng với “thù lao” cho một số lãnh đạo OceanBank và Nguyễn Xuân Sơn thông qua Nguyễn Xuân Thắng (em họ Sơn và là cựu Phó giám đốc Khối khách hàng lớn) thì Thắm là người trực tiếp phê duyệt và chỉ đạo bộ phận kế toán chi tiền.

    Về nguồn tiền chi lãi ngoài lãi suất theo hợp đồng, Hà Văn Thắm chỉ đạo nhân viên lấy từ nguồn tiền của ngân hàng thông qua các hình thức tạm ứng nghiệp vụ, chi thẳng từ tài khoản chi trả lãi và tiền mặt từ một tài khoản thu được dựa trên các hợp đồng chi phí, dịch vụ trá hình mà OceanBank ký kết với các doanh nghiệp là “sân sau” (bài viết trước đề cập).

    Bằng cách thức nêu trên, từ 2010 đến cuối năm 2014, tổng số tiền mà OceanBank đã chi lãi ngoài lãi suất huy động vốn (theo quy định) lên đến hơn 1.576 tỷ đồng. Trong đó, theo giám định của Ngân hàng Nhà nước thì có tới gần 1.081 tỷ đồng đã được Thắm cùng đồng phạm chi lãi ngoài và phần lớn trong số ấy đều vượt trần lãi suất theo quy định, tương ứng với từng thời kỳ khác nhau.

    Quá trình điều tra, cựu Tổng giám đốc OceanBank – Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận, đầu tháng 1-2011, ông ta về làm Phó tổng giám đốc PVN. Do đó, Sơn nhờ Thắng lấy hộ tiền “phần trăm” tại OceanBank. Mỗi lần lấy tiền Sơn đều cho em con chú ruột biết lấy tiền VNĐ hay USD. Và bình quân, mỗi tháng Sơn nhờ Thắng thu về 5 tỷ đồng.

    Trước đó, trong giai đoạn còn tại chức Tổng giám đốc thì Sơn thường nhờ Nguyễn Thị Minh Phương (cựu Giám đốc OceanBank – Chi nhánh Thăng Long) lấy hộ “tiền phế”. Dù vậy, theo lời khai của Sơn thì từ năm 2009 đến giữa năm 2014, tổng số tiền mà ông ta nhờ 2 cá nhân lấy hộ từ OceanBank chỉ vào khoảng 200 tỷ đồng.

    Và cũng theo lời khai của cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương, số tiền nhận nêu trên, Sơn phải gửi lại Kế toán trưởng của PVN 60%. Còn lại chừng 80 tỷ đồng, ông ta nhờ người thân tín gửi tiết kiệm và cầm giữ hộ.

    Về phần mình, Hà Văn Thắm khai nhận, trong số hàng nghìn tỷ đồng mà OceanBank bị thất thoát, ông ta được hưởng lợi hơn 271 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương cũng hoàn toàn thừa nhận việc chỉ đạo Nguyễn Minh Thu cùng nhiều nhân viên dưới quyền chi tiền lãi ngoài lãi suất theo quy định cho đồng phạm là Nguyễn Xuân Sơn.

    Cũng chính vì hành vi nêu trên nên ngoài các tội được quy định tại Điều 179 và 281, Hà Văn Thắm còn bị đề nghị truy tố thêm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165-BLHS cùng với Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu và một số bị cáo liên quan.

     Nguồn: An ninh Thủ đô

    Xem thêm video:

    [mecloud]eDoPQWOXLl[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/roi-ghe-lanh-dao-van-bo-tui-nhieu-ty-dong-moi-thang-a165336.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan