100\% mẫu rau muống và cá rô phi được khai thác từ sông Nhuệ bị ô nhiễm chì. Cá rô phi còn nhiễm chất Cadimi - một kim loại có độc tính, được sử dụng chủ yếu trong các loại pin.
Đây là kết quả được cung cấp bởi nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Y tế công cộng, Cục An toàn thực phẩm và Viện Chăn nuôi quốc tế.
Được biết, nhóm nghiên cứu trên đã xét nghiệm 27 mẫu nước, 27 mẫu rau muống và 27 mẫu cá. Các mẫu trên được lấy từ sông Nhuệ từ trong khoảng thời gian từ 11/2013 - 6/2014. Mặc dù hàm lượng chì và cadimi trong mẫu rau muống và cá rô phi vẫn nằm trong mức cho phép của Bộ Y tế, nhưng qua khảo sát cho thấy, có gần 15\% người dân đã nhiễm chì do ăn rau muống trồng dọc sông Nhuệ vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Nhóm nghiên cứu trên cũng nhận định: Việc ô nhiễm các kim loại nặng trong nước và thực phẩm tại sông Nhuệ chảy qua lưu vực Hà Nội và Hà Nam, trong đó có rau muống và cá rô phi, đang là mối nguy cơ đe dọa lớn đối với sức khỏe nhiều người tiêu dùng và cộng đồng.