Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL):Xin ông cho biết thực trạng của đội tàu vận tải biển hoạt động mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện nay còn những bất cập gì?
Ông Nguyễn Đình Việt: Đội tàu Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế cho đến cuối năm 2021 đã có gần 600 tàu, tỉ lệ tăng trưởng về số lượng tàu không lớn nhưng tỉ lệ tăng trưởng về số tấn trọng tải rất lớn. Thống kê cho thấy sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng đội tàu biển Việt Nam tăng trưởng tốt trong những năm qua cả hàng xuất nhập khẩu và cả hàng nội địa.
Bên cạnh đạt được những kết quả tích cực, về cơ bản, năng lực và chất lượng của đội tàu biển Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế. Thứ nhất, số lượng chủ tàu quá nhiều, cơ cấu đội tàu chủ yếu là tàu hàng tổng hợp với cỡ tàu nhỏ chạy ven biển.
Thứ hai, tình trạng kỹ thuật đội tàu Việt Nam chưa cao, số liệu thống kê kiểm tra tàu biển của đội tàu Việt Nam cho thấy số tàu khiếm khuyết còn lớn. Việc bảo dưỡng, duy trì trạng thái kỹ thuật của con tàu tuân thủ các quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ ba, ý thức chấp hành kỷ luật, tuân thủ các quy định pháp luật và điều ước quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của thuyền viên và chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu còn chưa cao. Hiện nay, phần lớn đội tàu container của Việt Nam hiện chỉ tham gia vận chuyển nội địa do có chính sách bảo hộ của quốc gia, một số chủ tàu tham gia được tuyến quốc tế ngắn đi Hồng Công (Trung Quốc), Singapore nhưng sản lượng cũng không đáng kể...
ĐS&PL: Như ông vừa trao đổi, số lượng tàu hoạt động tuyến quốc tế của Việt Nam khá lớn nhưng thực tế phần lớn lại đang thuộc dạng cho các hãng lớn cho thuê lại hoặc đảm nhận “thầu phụ”. Theo ông vấn đề thực sự là ở đâu và chúng ta đã thực sự nhìn nhận và đánh giá đúng được vấn đề hay chưa?
Ông Nguyễn Đình Việt: Kinh doanh phát triển đội tàu trên thế giới có nhiều mô hình. Một là những nhà đầu tư có tiền đầu tư phát triển đội tàu và cho thuê tàu. Thứ hai nhà đầu tư mua tàu tự quản lý khai thác đội tàu của mình hoặc vừa quản lý khai thác vừa cho thuê tàu. Thứ ba là nhà đầu tư mua tàu và thuê người quản lý khai thác đội tàu của mình... Do đó, tùy thuộc vào năng lực tài chính, năng lực khai thác, năng lực quản lý ... của mỗi nhà đầu tư để quyết định cho mình một phương thức phù hợp. Vì vậy, tôi cho rằng không phải cứ cho thuê tàu là không hiệu quả. Rất nhiều chủ tàu của ta đem tàu đi khai thác tuyến quốc tế vì ở đó giá cước cao hơn, hàng hóa nhiều hơn - vậy đây là điều tốt, có lợi.
Tất nhiên, đánh giá một cách khách quan, hiện nay Việt Nam thực sự chưa có được hãng tàu con- tainer đủ mạnh để khai thác thị trường quốc tế. Đối với hàng container chúng ta mới đảm nhận đươc thị trường nội địa (chiếm khoảng 30% sản lượng con- tainer thông qua cảng).
ĐS&PL: Với việc phát triển đội tàu, một vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện cơ chế chính sách về mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực này khi mà vụ việc Vinashin cách đây nhiều năm vẫn là bài học nhãn tiền. Xin ông cho biết hiện cơ chế chính sách còn những bất cập gì? Cần được tháo gỡ như thế nào để thực hiện tốt những mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi?
Ông Nguyễn Đình Việt: Đề án phát triển đội tàu mà Bộ GTVT đang xây dựng đã chỉ ra một số rào cản, vướng mắc ở các quy định pháp luật mà chúng ta cần sửa đổi trong thời gian tới để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu phát triển, nhất là việc có các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển đội tàu mạnh và hiện đại.
Trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 cũng đã nêu rõ chính sách của Nhà nước về phát triển hàng hải, cụ thể: “Ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vay vốn trong đầu tư phát triển đội tàu và trong hoạt động vận tải biển; Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển đội tàu...”. Do đó những chính sách này cần được hiện thực hóa càng sớm càng tốt để hỗ trợ các chủ tàu. Đây cũng đang là hướng mà phía cơ quan Nhà nước đang tích cực nghiên cứu, xin ý kiến các bên liên quan nhằm hoàn thiện Đề án.
ĐS&PL:Việc đầu tư lực lượng tàu biển đáp ứng nhu cầu sẽ rất là tốn kém tuy nhiên nguồn lực doanh nghiệp là có hạn. Vậy, doanh nghiệp – những người sẽ hiện thực hóa giấc mơ về đội tàu Việt sẽ được hỗ trợ, tiếp sức về nguồn vốn như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Việt: Đây sẽ là một bài toán khó trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi chúng ta trải qua giai đoạn phát triển nóng vừa qua để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến nay chưa giải quyết xong. Tuy nhiên với những chủ tàu có dự án đầu tư mua tàu tốt, hiệu quả cao thì ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay. Ở đây không chỉ có ngân hàng trong nước mà có cả các tổ chức tài chính nước ngoài cung cấp tín dụng cho các chủ tàu Việt Nam. Vấn đề này đòi hỏi phải có thời gian và quan trọng là sự nỗ lực của chủ tàu, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể làm thay được.
ĐS&PL: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Công Luân- Mạnh Quốc
Bài đăng trên tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 10+11+12 (từ ngày 12-14/1/2023)