Đứng trước vành móng ngựa với gương mặt khả ái, mái tóc óng ả buộc cao, nói năng dõng dạc, rõ ràng, nhiều người chép miệng chả trách hàng chục gia đình bị hại đã sập bẫy “ma nữ” này khi tự nguyện nộp gần 5 tỷ đồng để “chạy việc” cho con em mình vào ngành công an.
Đó là bi kịch trong phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Thị Phin (SN 1982, trú tại số 3B/68 Kiều Sơn, Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt trên 4,8 tỷ đồng của 17 gia đình bị hại, Nguyễn Thị Phin đã bị tuyên phạt mức án tù chung thân.
Ảnh minh họa. |
Thật bất ngờ là ngoài ngoại hình cao ráo ưa nhìn và tài ăn nói, thì còn lại ở con người bị cáo Nguyễn Thị Phin không có gì đáng giá.
Phin là đối tượng không nghề nghiệp, gia cảnh cũng tùng tiệm mới đủ qua ngày chứ không sang trọng khá giả gì. Nhưng Phin luôn đau đáu khát vọng làm giàu, luôn muốn được cuộc sống sang trọng, tiền tiêu rủng rỉnh dù bản thân Phin lười lao động.
Để có tiền tiêu, Phin vắt óc nghĩ kế “làm ăn”. Nắm được tâm lý của các gia đình muốn có con em làm trong ngành công an nên Phin tự phao tin mình công tác trong ngành công an và có khả năng sắp xếp, tuyển dụng một số chỉ tiêu trong ngành. Với đồ nghề mà Phin đầu tư ban đầu chỉ là một bộ trang phục sĩ quan công an, quân hàm đại úy, Phin đã khiến nhiều người lầm tưởng mình là một nữ sĩ quan đàng hoàng, đạo mạo.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng đầu năm 2008, khi Phin nói với em chồng là Phạm Mạnh Dũng, sinh 1987, ở Ngọc Khê, Phù Ninh, Thủy Nguyên, rằng có thể lo được cho người có nhu cầu vào ngành công an. Vì vậy anh Dũng đã nhờ và đưa cho chị dâu số tiền 100 triệu đồng để lo giúp.
Đến đầu năm 2011, để Dũng tin tưởng, Phin đã nhờ Nguyễn Văn Trí (SN 1961, ở Cù Chính Lan, Hồng Bàng) nói dối tên là Hùng, Trạm trưởng trạm Cảnh sát giao thông Bến Bính, đồng ý tiếp nhận Dũng vào làm việc tại Trạm Cảnh sát giao thông Bến Bính.
Tinh vi hơn, Phin còn đưa cho Dũng 1 bản photo “quyết định” tuyển dụng công dân Phạm Mạnh Dũng phục vụ trong ngành công an, 4 “lịch trực và phân công công việc”, 2 chỉ thị của Phòng Cảnh sát giao thông Hải Phòng có đóng dấu chứng thực khiến anh Dũng tin “sái cổ”.
Và những tháng tiếp sau đó, dù anh Dũng không đi làm nhưng đều đặn hàng tháng Phin vẫn “trả lương công an” cho anh này 2,5 triệu đồng; tính đến khi Phin bị bắt thì người em chồng đã nhận được trên 81 triệu đồng trên tổng số 100 triệu đồng anh ta “chạy việc”…
Tính từ cuối năm 2011 đến tháng 10/2012, Phin đã lừa đảo tổng cộng 17 người với số tiền trên 4 tỉ đồng. Có tiền trong tay, “nữ sĩ quan công an” thả sức tiêu xài, mua nhà gần 2 tỉ đồng, sắm trang thiết bị hiện đại và tiếp tục đi săn tìm ‘con mồi” mới.
Về phía các bị hại, khi đã đầu tư cả đống tiền cho nữ cán bộ tổ chức công an mà vẫn không thấy con em mình được tuyển dụng đi làm nên nghi ngờ, đòi lại tiền không được nên mới tố cáo “cán bộ” Phin ra cơ quan công an. Đến khi vụ việc vỡ lở, các nạn nhân mới té ngửa khi biết hóa ra Phin chỉ là đối tượng không nghề nghiệp, ngoài tài “khua môi múa mép” thì chẳng có mối quan hệ nào để có thể sắp xếp, tuyển dụng cho người khác vào ngành công an.
Với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần, TAND TP.Hải Phòng đã tuyên phạt Nguyễn Thị Phin mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buộc phải bồi thường số tiền chiếm đoạt cho những người bị hại.
Phiên tòa kết thúc, những người bị hại bước thấp bước cao ra về, Phin vào tù cả đời, đến bao giờ những người bị hại mới được hoàn trả số tiền mà họ bị lừa đảo chiếm đoạt?